Giảm 218,31 nghìn ha đất trồng lúa
Chiều 21.3, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia dựa trên những nguyên tắc căn bản là ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng then chốt. Đảm bảo hợp lý quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo đủ quỹ đất để thiết lập, duy trì và quản lý hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực, nguồn nước, di tích lịch sử-văn hóa. Quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến ven biển đảm bảo tính kết nối liên vùng, phát huy được thế mạnh của khu vực ven biển, khai thác hợp lý quỹ đất ven biển.
Đặc biệt, sẽ cho phép chuyển đổi diện tích đất nông - lâm nghiệp bị nhiễm mặn, hạn hán, ngập lụt sang mục đích khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đến năm 2020, diện tích nhóm đất nông nghiệp là trên 27 triệu ha, tăng 306,33 nghìn ha so với Nghị quyết của Quốc hội, trong đó đất trồng lúa được phép giảm 218,31 nghìn ha (trong đó, đất chuyên trồng lúa nước được phép giảm 53,47 nghìn ha).
Trên cơ sở xem xét, cân đối kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu của các địa phương, đến năm 2020 đất trồng lúa của cả nước còn trên 3,7 triệu ha, giảm 270,36 nghìn ha so với năm 2015 (giảm 52,04 nghìn ha so với Nghị quyết của Quốc hội). Trong đó, đất chuyên trồng lúa nước là 3.128,96 nghìn ha, giảm 146,42 nghìn ha so với năm 2015 (giảm 92,95 nghìn ha so với Nghị quyết của Quốc hội).
Ngoài ra, trong 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa, cho phép khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng được bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại được, nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.
Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ bảo vệ nghiêm ngặt khoảng trên 4.400 nghìn ha diện tích rừng hiện có; phục hồi và trồng mới khoảng 240 nghìn ha. Trong đó, khu vực ven biển sẽ bảo vệ 310 nghìn ha đất có rừng, phục hồi gần 10 nghìn ha và trồng mới 46 nghìn ha rừng phòng hộ ven biển để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khu vực rất xung yếu và xung yếu. Đồng thời, giai đoạn này chuyển khoảng 100 nghìn ha rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng để thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan.
Trên cơ sở điều tra, đánh giá chung về rừng phòng hộ, giai đoạn 2016- 2020 sẽ chuyển khoảng 1.100 nghìn ha là diện tích đất quy hoạch để trồng, khoanh nuôi rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất thuộc các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất của người dân, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng di cư tự do không kiểm soát được như hiện nay.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGPO)