Hiến pháp mới là dấu ấn quan trọng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII
Tiếp tục kỳ họp thứ 11, sáng 22.3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Báo cáo nhận định, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, 5 năm qua, đất nước ta phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới, hình thành nền tảng pháp lý hiến định quan trọng cho việc tiếp tục xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, Quốc hội khóa XIII đã ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng nâng cao. Đặc biệt, ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Quốc hội khóa XIII đã khẩn trương triển khai thực hiện đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã tập trung thực hiện một khối lượng công việc lập pháp rất lớn, xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hầu hết các Bộ luật lớn, các Đạo luật quan trọng, cơ bản hoàn thành hệ thống pháp lý về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường, luật pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền tự do dân chủ của nhân dân.
“Các luật, pháp lệnh đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể các quy định mới của Hiến pháp, tạo cở sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh dó, từ tình hình thực tiễn, Quốc hội cũng đã kịp thời quyết định các chính sách mang tính quốc kế dân sinh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước. Nhiều quyết sách đã giải quyết kịp thời những bức xúc từ cuộc sống như: công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm; dành ngân sách hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo; tiếp nhận người nghiện ma túy vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội; tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn... được đông đảo cử tri hoan nghênh.
Trong công tác giám sát, điểm mới của nhiệm kỳ khóa XIII là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội.
Nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục được đưa ra phân tích, xem xét thấu đáo dưới nhiều góc độ. Quốc hội đã ra nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục thực hiện có kết quả những vấn đề đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có thể khẳng định chất vấn là hình thức giám sát hiệu quả nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều tầng lớp nhân dân, luôn thúc đẩy đại biểu Quốc hội lắng nghe, trăn trở với các vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội để tâm huyết chuẩn bị các chất vấn có chất lượng; đồng thời cũng giúp những người bị chất vấn sẵn sàng chia sẻ, nhìn nhận, đánh giá các vấn đề đặt ra một cách chính xác, khách quan; từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực, sự thống nhất chung trong nhận thức và hành động của cả bộ máy nhà nước.
Hoạt động giám sát tối cao theo chuyên đề đã được tập trung vào những vấn đề bức xúc và cấp thiết của cuộc sống như việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; quy hoạch thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh; bảo hiểm y tế, giảm nghèo; việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản. Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự... cũng nằm trong nhóm vấn đề đã được giám sát, tạo chuyển biến rõ nét.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)