Quốc hội tán thành giảm diện tích đất KCN, khu kinh tế
Tại hội trường Quốc hội chiều 21.3, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã trình bày báo cáo thẩm tra phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020, trong đó có nội dung trên.
Giảm diện tích đất khu công nghiệp, khu kinh tế
Cụ thể, theo điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 của Chính phủ, diện tích đất khu công nghiệp (KCN) là 191.420 héc ta, giảm 8.590 héc ta so với nghị quyết của Quốc hội.
Theo Ủy ban Kinh tế, thời gian qua, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại các KCN, tập trung chỉ đạo lấp đầy các KCN hiện hữu, diện tích lấp đầy đã nâng lên đạt khoảng 65%, trong khi năm 2011 chỉ đạt 45%. Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự hợp lý về số lượng các KCN, tập trung lấp đầy các KCN hiện hữu. Việc quy hoạch xây dựng mới các KCN cần dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội, lợi thế cạnh tranh, chú trọng quy hoạch theo vùng, không nên đầu tư dàn trải, chia cắt theo địa giới hành chính.
Đối với đất khu kinh tế, có ý kiến đề nghị rà soát để giảm diện tích vì cho rằng, thời gian qua việc khoanh định diện tích đất tại các khu kinh tế là quá lớn, vượt quá nhu cầu, không bố trí đủ nguồn lực để thực hiện dẫn đến quy hoạch treo, hạn chế quyền của người sử dụng đất trong khu kinh tế.
Theo điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, diện tích đất phát triển hạ tầng là 1,56 triệu héc ta, giảm 17.000 héc ta so với nghị quyết của Quốc hội.
Ông Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc điều chỉnh này vì các loại đất giao thông, đất thủy lợi, đất cơ sở văn hoá, đất cơ sở y tế, đất cơ sở thể dục - thể thao và một số loại đất phát triển hạ tầng khác tăng phù hợp với nhu cầu phát triển. Có hai loại đất điều chỉnh giảm là đất công trình năng lượng giảm 37.000 héc ta do loại bỏ 6 dự án thủy điện bậc thang, 418 dự án thủy điện nhỏ và lùi tiến độ triển khai một số nhà máy điện sau năm 2020.
Đối với đất cơ sở giáo dục - đào tạo, giảm 13.000 héc ta do điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020. Đồng thời, đề nghị cần bám sát chiến lược phát triển nguồn nhân lực khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đất cho hoạt động thể dục thể thao tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Giảm diện tích đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản
Theo quy hoạch được Quốc hội quyết định đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3,81 triệu héc ta, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3,22 triệu hécta. Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến năm 2020 diện tích đất trồng lúa còn 3,76 triệu hécta, giảm 52.000 hécta, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm 92.950 hécta. Trong số 3,76 triệu hécta được giữ lại, có khoảng 400.000 he1cta được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.
Về việc này, ông Giàu cho biết Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bởi với diện tích đất trồng lúa còn lại cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, dự kiến sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai.
Theo điều chỉnh quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, đất nuôi trồng thủy sản là 767.000 hécta, giảm 22.000 hécta so với nghị quyết của Quốc hội.
Theo ông Giàu, Ủy ban Kinh tế cho rằng nuôi trồng thủy sản ngày càng đi vào chiều sâu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trên thực tế, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng nhiều do nâng cao hệ số sử dụng đất và kết hợp nuôi trồng trên diện tích đất mặt nước chuyên dùng, vùng bãi bồi, đầm phá, khu vực mặt nước ven biển… nhưng không thống kê vào diện tích đất nuôi trồng thủy sản.
Theo báo cáo của Chính phủ, nếu tính cả diện tích các loại này thì diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước đến năm 2020 đạt trên 1 triệu hécta, vẫn bảo đảm tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 - 7 triệu tấn cho chế biến và xuất khẩu. Do đó, diện tích nuôi trồng thủy sản không cần tăng nhiều và việc điều chỉnh giảm diện tích tăng theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp.
Ngoài tán thành với quy hoạch giảm diện tích sử dụng đất nêu trên, Quốc hội còn tán thành việc giảm diện tích nhiều loại đất khác. Ví dụ như điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, diện tích đất rừng phòng hộ là 4,618 triệu hécta, giảm 1,22 triệu hécta so với nghị quyết của Quốc hội. Hay về đất quốc phòng và đất an ninh, đến năm 2020 diện tích đất quốc phòng là 340.000 hécta, giảm 47.000 hécta so với nghị quyết của Quốc hội. Đất an ninh là 71.000 hécta, giảm 10.000 hécta.
Theo Vân Ly (TBKTSG)