Trường Năng khiếu TDTT tỉnh: Nỗ lực tạo sân chơi cho học sinh
Còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất, nhưng lãnh đạo Trường Năng khiếu TDTT tỉnh thời gian qua đã từng bước triển khai những sân chơi bổ ích, thiết thực cho học sinh nội trú.
Sáng 20.3, khu vực sảnh tầng 1 của Trường Năng khiếu TDTT tỉnh trở nên sôi động hơn hẳn so với ngày thường. Hàng chục học sinh tập trung quanh hai bàn bi lắc để cùng tham gia cổ vũ cho các thành viên thi đấu giải do Ban chấp hành Chi đoàn trường tổ chức. Để đảm bảo các trận đấu không quá chênh lệch về “trình độ chuyên môn”, Ban tổ chức chia thành hai lứa tuổi (dưới 13 và từ 13 tuổi trở lên). Tổng cộng có 20 cặp VĐV đăng ký thi đấu, và với thể thức thi đấu loại trực tiếp, nên chỉ trong buổi sáng đã xác định được thứ hạng của các đội chơi. Bi lắc là trò chơi khá quen thuộc với nhiều đối tượng thanh thiếu niên từ hàng chục năm qua, nhưng với các học sinh Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, sức hút của loại hình này rất lớn. Điều này một phần xuất phát từ việc học sinh của Trường hầu như chưa có sân chơi đích thực nào ngay tại “căn nhà” của mình. Và việc được tham gia một giải đấu dẫu chỉ là nội bộ cũng đã đem lại những giây phút hết sức hào hứng cho các em.
Học sinh Trường Năng khiếu TDTT tỉnh hào hứng tham gia thi đấu và cổ vũ cho giải bi lắc nội bộ lần đầu tiên.
Theo anh Đào Duy Khoa, HLV đội tuyển bóng đá U15 - Bí thư chi đoàn Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, sau khi thăm dò ý kiến học sinh của trường, kể từ đầu năm 2016, BCH Chi đoàn Trường đã trang bị hai bàn bi lắc để các em có phương tiện giải trí sau những giờ học văn hóa và tập luyện chuyên môn. “Hầu hết các học sinh nam đều tỏ ra thích thú với trò chơi này, các bàn thường được sử dụng với tần suất cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề xuất phương án quản lý, nhằm đảm bảo các em ở những lớp, lứa tuổi khác nhau cùng được tham gia. Bên cạnh đó, vấn đề giờ giấc cũng được bố trí phù hợp để không ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em cũng như những học sinh khác trong trường. Trường cũng đã trang bị thêm bàn bóng bàn và billiards, nhưng do diện tích các phòng khá chật, lại ưu tiên cho các nhóm học bổ sung kiến thức văn hóa buổi tối nên chưa đưa vào sử dụng” - anh Khoa cho biết.
Việc quan tâm đến nhu cầu giải trí của học sinh đã được Trường triển khai từ nhiều năm qua, nhưng phần lớn chưa có sự mới mẻ trong cách làm, nên chưa đem lại hiệu ứng như mong muốn. Nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hoạt động gần gũi, thiết thực như: những buổi sinh hoạt tối thứ Bảy hàng tuần, các khóa hướng dẫn kỹ năng sống, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, các cuộc thi… với nội dung khá sinh động đã thu hút sự tham gia đầy hứng khởi của đông đảo học sinh. Nhờ đó, giáo viên, HLV giảm bớt những mối lo về hiện tượng học sinh mê games hoặc sa vào những trò chơi thiếu lành mạnh khác.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Sơn, Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, cho biết: “Những học sinh xa nhà, ở nội trú tại Trường cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn về yếu tố tinh thần, vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng tìm những mô hình phù hợp để giúp các em được tiếp cận những hoạt động mang tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu giải trí cho học sinh cũng rất cần thiết, nhằm giúp các em phát triển toàn diện, có những suy nghĩ tích cực và biết sẻ chia cùng bạn bè. Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Thư viện tỉnh để trong thời gian tới vận động một số sách báo phù hợp về phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập, giải trí của học sinh”.
LÊ CƯỜNG