Phát triển vùng trồng mì nguyên liệu: Chú trọng nâng cao năng suất và hiệu quả
Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột mì và tăng thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại diện tích mì hiện có, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất gắn với việc bảo vệ môi trường.
Diện tích tăng mạnh
Theo Quyết định 2663/QĐ-UBND ngày 28.7.2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành trồng trọt Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển ổn định 11.000 ha mì, trong đó, An Lão 650 ha; Hoài Nhơn 1.000 ha; Hoài Ân 500 ha; Phù Mỹ và Tây Sơn mỗi huyện 1.800ha; Vĩnh Thạnh 1.250 ha; Phù Cát và Vân Canh mỗi huyện 2.000 ha. UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương chỉ đạo giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 để trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh, đảm bảo năng suất mì đến năm 2020 bình quân đạt 30,4 tấn/ha.
Nông dân xã Tây Thuận (Tây Sơn) thu hoạch mì bán cho Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định. Ảnh: T.SỸ
Tuy nhiên, những năm gần đây, đầu ra mì nguyên liệu ổn định, giá bán khá cao, nhiều nông hộ có thu nhập cao từ cây mì đã mở rộng diện tích sản xuất. Nhiều diện tích trồng mía kém hiệu quả cũng đã được nông dân chuyển sang trồng mì, dẫn đến diện tích mì tăng cao. Đến nay, diện tích mì toàn tỉnh đã tăng lên trên 13.581ha, vượt hơn 2.581ha so với quy hoạch. Phần lớn nông dân trồng mì quảng canh, đầu tư chăm sóc hạn chế, nên năng suất mì vẫn còn thấp. (hiện năng suất mì bình quân toàn tỉnh khoảng trên 24,5 tấn/ha).
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, sở dĩ diện tích mì tăng mạnh là do loại cây này rất dễ trồng, chi phí đầu tư ít, đầu ra sản phẩm ổn định. Với năng suất mì hiện dao động từ 24-30 tấn/ha, Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu (CBTBSXK) Bình Định thu mua với giá từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tấn, nông dân có thu nhập từ 40- 50 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 20-25 triệu đồng/ha. Đây là mức lãi cao trong điều kiện giá cả nông sản gặp nhiều bấp bênh như hiện nay.
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt cây mì sẽ dẫn đến nguy cơ đất đai sản xuất bị thoái hóa vì cây mì hút chất dinh dưỡng trong đất rất mạnh. Những diện tích đất đã trồng mì khó có thể trồng các loại cây trồng khác vì đất bị thoái hóa, khô cằn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng chặt phá cây lâm nghiệp, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng mì. Thực tế cho thấy, tình trạng nói trên đã và đang diễn ra phổ biến tại các địa phương trong tỉnh; trong quá trình dọn và đốt thực bì để trồng mì đã xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại về kinh tế, làm mất cân bằng hệ sinh thái rừng.
Chú trọng nâng cao năng suất, hiệu quả
Đề cập đến việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng sản xuất bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Phát triển cây mì gắn với công nghiệp chế biến đã và đang mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu không thực hiện tốt quy hoạch và các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất của loại cây trồng này thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Để đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững, đảm bảo nhu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì và thu nhập cho bà con nông dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mì tại các địa phương, đảm bảo yêu cầu về năng suất và hiệu quả sản xuất. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh, trồng mì rải vụ, trồng mì xen với các loại cây trồng khác, nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Các công ty sản xuất và chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới, đồng thời thực hiện chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu mì, đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại diện tích vùng nguyên liệu mì hiện có, cùng với diện tích đất sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng mì, báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông nghiên cứu, đưa vào sản xuất khảo nghiệm và lựa chọn 2 giống mì mới (KM7, KM419) có tiềm năng năng suất cao để chuyển giao cho nông dân; hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Sở NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất mì theo chuỗi.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trượng, để vùng nguyên liệu phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh cần chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương lựa chọn các giống mì mới, có tiềm năng năng suất và hàm lượng tinh bột cao để chuyển giao cho nông dân sản xuất; ban hành và thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, thu mua nguyên liệu cho nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên. Chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi các diện tích đất trồng mì trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
PHẠM TIẾN SỸ