Nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24.3: Giảm gánh nặng lao kháng thuốc
Dễ lây lan và khó khăn trong điều trị, lao kháng thuốc thực sự là gánh nặng của ngành Y tế và cả cộng đồng. Để giảm gánh nặng này, mỗi người cần có hiểu biết về nguy cơ mắc bệnh và thực hành đúng trong điều trị.
Người mắc bệnh lao kháng thuốc là khi vi trùng lao trong cơ thể kháng hoặc chống lại với một hay nhiều loại thuốc điều trị lao. Theo Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao. Trong giai đoạn 2012-2015, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã thu dung và điều trị cho 135 bệnh nhân lao kháng thuốc, con số này trong quý I.2016 là 8 bệnh nhân.
Rất nguy hiểm!
Khi tôi ngỏ lời muốn gặp và trò chuyện với các bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, đã có không ít ánh mắt ngần ngại. Hơn ai hết, các cán bộ y tế ở đây hiểu rõ lao kháng thuốc nguy hiểm đến chừng nào. Các anh chị đưa cho tôi chiếc khẩu trang N95 dày cộp và hướng dẫn cách đeo.
Khám định kỳ là một trong những điều kiện quan trọng để phát hiện sớm lao kháng thuốc.
Phòng điều trị lao kháng thuốc nằm cuối dãy hành lang dài, là một khu biệt lập. Hiện tại, có 2 bệnh nhân điều trị nội trú tại đây, bên cạnh 51 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Phải “sống chung” với bệnh lao gần 10 năm qua, ông L. (60 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) chẳng nhớ nổi mình vào Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh điều trị bao nhiêu đợt. Lần này, ông nhập viện ngày 17.2 sau 2 tuần mệt mỏi, ớn lạnh về chiều, ho có đờm đục. Kết quả xét nghiệm Xpert MTB/RIF cho thấy ông L. có vi khuẩn lao và kháng RIF.
Điều trị cùng phòng với ông L. là ông K. (49 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), mới phát hiện mắc bệnh lao 6 tháng trước. Ngày 23.2 vừa qua, ông cũng được xác định mắc lao kháng thuốc. Chỉ một lốc thuốc trên tủ đầu giường, ông buồn rầu nói: “Riêng thuốc tấn công vi khuẩn lao kháng thuốc cũng đã có tới 6 loại, còn thêm 3 loại thuốc hỗ trợ nữa. Được bác sĩ cho biết tôi mắc bệnh lao kháng thuốc rất nguy hiểm, khó chữa, thời gian điều trị rất dài, phải sử dụng nhiều loại thuốc có thể xảy ra phản ứng bất lợi, nên tự nhủ sẽ cố gắng tiêm và uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của y - bác sĩ”.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đỗ Phúc Thanh, mắc lao thông thường đã nguy hiểm, mắc lao kháng thuốc thì mức độ nguy hiểm càng tăng lên nhiều lần. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để, bệnh nhân lao kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao, đồng thời trở thành tác nhân lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh, gây nên những hậu quả khôn lường. Một khi đã nhiễm lao kháng thuốc, việc điều trị cũng khó khăn hơn nhiều bởi chi phí cao (gấp 40 lần thuốc lao thông thường), thời gian kéo dài, khả năng khỏi bệnh cũng thấp hơn và bệnh nhân có thể gặp nhiều phản ứng bất lợi rất cần xử trí kịp thời trong quá trình điều trị.
Tuân thủ điều trị là quan trọng nhất
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lao kháng thuốc là bệnh nhân tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng. Nhiều người bị tác dụng phụ của thuốc lao trong quá trình điều trị, nhưng không đến tái khám để điều chỉnh thuốc, mà tự bỏ nửa chừng. Hơn nữa, kháng thuốc có thể do vi trùng lao dễ đột biến, có khả năng tìm cách chống lại thuốc lao ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách và tuân thủ tốt việc dùng thuốc. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc phải bệnh lao kháng thuốc ngay từ trước khi điều trị lao, do hít phải vi trùng lao kháng thuốc từ những người đã bị lao kháng thuốc lây lan trong cộng đồng…
“Tin vui là Chương trình Chống lao quốc gia đang có kế hoạch triển khai thí điểm phác đồ điều trị lao kháng thuốc với thời gian ngắn - chỉ 9 tháng. Hy vọng phác đồ này sẽ sớm được đưa vào áp dụng chính thức, để có thêm cơ hội điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc”.
Bác sĩ ĐỖ PHÚC THANH, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, Trưởng khoa Khám - Cấp cứu - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh), có đến 10 nhóm đối tượng thuộc diện cần xét nghiệm tầm soát lao kháng thuốc. Tại Bình Định, phổ biến nhất là 4 nhóm: người đã điều trị lao nhiều lần; người điều trị lao không liên tục; người tiếp xúc với nguồn lây lao kháng thuốc; người có vi trùng phổi số lượng nhiều.
Thời gian điều trị lao kháng thuốc bình quân hiện nay là 20 tháng, bao gồm 8 tháng tiêm thuốc (giai đoạn tấn công) và 12 tháng uống thuốc (giai đoạn duy trì). Người bệnh sẽ dùng thuốc 6 ngày/tuần (trừ Chủ nhật) dưới sự giám sát trực tiếp hằng ngày của nhân viên y tế trong suốt liệu trình đến khi kết thúc điều trị.
“Trước khi điều trị, người bệnh lao kháng thuốc đều phải ký cam kết tuân thủ các quy định trong quá trình điều trị. Cùng với đó là cam kết của 2 người giám sát - tổ trưởng tổ chống lao (trạm y tế xã) và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân là điều kiện tiên quyết để đạt kết quả tốt nhất”, bác sĩ Đỗ Phúc Thanh nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG