SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Tắc lệ đạo bẩm sinh - vài điều cần biết
Tắc lệ đạo bẩm sinh là bệnh khá thường gặp ở trẻ sơ sinh, với tỉ lệ mắc bệnh khoảng 5% trẻ 12-20 ngày tuổi. Nguyên nhân gây bệnh là do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn tồn tại một lớp màng che kín lỗ đổ nước mắt ở khe mũi dưới. Một số ít trường hợp do biến dạng ống xương của ống lệ mũi.
Dấu hiệu dễ nhận biết của tắc lệ đạo bẩm sinh là chảy nước mắt kéo dài (mắt trẻ lúc nào cũng ướt, đôi khi kèm theo ghèn). Vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, đỏ hoặc căng. Trường hợp nặng, dùng tay ấn vào vùng góc trong mắt sẽ thấy mủ nhầy trào ra ngoài. Một số trường hợp biểu hiện bằng áp-xe túi lệ.
Điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ được thực hiện theo độ tuổi và nguyên nhân gây tắc lệ đạo. Nếu không có điểm lệ sẽ rạch tạo điểm lệ. Nếu rò túi lệ bẩm sinh thì phẫu thuật đóng đường rò. Nếu tắc ống lệ mũi bẩm sinh, tùy theo độ tuổi sẽ có các cách điều trị khác nhau:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi: vệ sinh mắt, mát-xa và day vùng túi lệ kèm nhỏ thuốc kháng sinh. Cách vệ sinh là dùng bông gòn hoặc vải xô mềm, thấm nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý nhẹ nhàng lau mắt cho bé, lấy hết những ghèn, gỉ dính. Nên vệ sinh mắt 3-5 lần/ngày. Nếu phát hiện mắt bé bị sưng đỏ, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị. Để mát-xa tuyến lệ, cha mẹ dùng ngón tay (đã cắt móng và rửa sạch sẽ) mát-xa nhẹ nhàng góc mắt cho bé, bắt đầu từ góc trong của mí mắt di chuyển (vuốt xuôi) xuống phía mũi; thực hiện 5-10 lần/ngày, 5-10 phút/lần. Tác dụng chủ yếu của mát-xa là gây áp lực nhẹ nhàng đến ống dẫn lệ, giúp thông chất lỏng khỏi những đoạn bị tắc và giải phóng điểm bít tắc.
- Trẻ 3-12 tháng tuổi: Bơm rửa lệ đạo, kết hợp kháng sinh tại chỗ và thông lệ đạo. Thủ thuật thông lệ đạo chỉ thực hiện khi đã mát-xa và day vùng túi lệ không hiệu quả.
- Trẻ trên 1 tuổi: Phương pháp bơm thông lệ đạo thường ít hiệu quả nên cần cho trẻ đi khám để đánh giá việc phẫu thuật nối thông lệ - mũi.
Đối với trẻ sơ sinh, khi phát hiện trẻ bị chảy nước mắt sống hoặc thường thấy đọng nước mắt ở khe mi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây chảy nước mắt, loại trừ các nguyên nhân khác như glôcôm bẩm sinh hoặc viêm nhiễm khác tại mắt để có biện pháp điều trị phù hợp.
BS PHẠM VĂN CẢM