Những kẻ khù khờ đáng yêu
Lý đã trở lại Quy Nhơn, trong một hành trình khác. Song, vẫn là Lý, với nụ cười hồn nhiên, giọng ca trong vắt và những câu chuyện ắp đầy niềm yêu…
Lý cười hiền hậu, bảo hát những bài nhạc buồn nhưng thấy vui lắm.
1.
Chiều 23.4, căn nhà thuê của Chi hội Nguyễn Nga (thuộc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh) trên đường Đống Đa đã hẹp lại như chật hơn. Những chiếc xe lăn nép vội vào hàng, những đôi kính đen vẫn hướng về phía trước, những bàn tay huơ lên giữa không trung trong câu chuyện của thế giới riêng mình.
Những người khuyết tật ở đây đang đón Khù Khờ Tour.
Một thoáng “phiêu” của Lý.
Video: Khù khờ tour đến với người khuyết tật Bình Định
(Văn Trang thực hiện)
Trên sân khấu (chẳng có bục, chỉ một tấm màn trắng để chiếu hình ảnh), Lê Cát Trọng Lý loay hoay cắm dây vào chiếc loa di động, nhấm nhả thử cây guitare thùng. Những người khác cũng tất bật, tự lo lấy phần việc của mình.
Sau mấy lời giới thiệu của Chi hội trưởng Nguyễn Thị Thanh Nga là đến phần của Lý. “Lý hát nha” - vậy thôi.
Ban nhạc AHF biểu diễn hòa tấu “Vũ khúc ngày Xuân”.
2.
Đến giờ, trong tôi vẫn còn nguyên hình ảnh của Lý năm 24 tuổi, tóc mấy lọn xoăn bồng bềnh, chiếc quần jean lủng nơi đầu gối, ôm đàn nghêu ngao hát ở Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh trong đêm “Vui” giữa tháng 9.2011. Ở đó, có khoảnh khắc ấn tượng nhất - sân khấu vụt ánh lửa khi bài hát “Như là” vang lên những âm điệu cuối cùng. Như là lòng đang chết đi… Như là mình đang chết đi… Như là lòng đang chết đi tình yêu…
Da diết. Day dứt đến là...
Chiều qua, mái tóc gọn hơn một chút. Chỉ thế thôi, bởi khuôn mặt lạ lùng vẫn vui như trẻ con - “đứa trẻ 9 tuổi” như Lý tự nhận. Người biểu diễn và khán giả cách nhau đâu chừng năm bước chân. Ca sĩ mang giày xanh, quần caro sẫm màu, áo trắng dài tay. Chân đặt lên chiếc loa trước mặt, hết guitare rồi đến accordion, harmonica, Lý hát hết bài này đến bài khác. Chẳng mấy ai kịp nhìn thấy Lý lấy ra chiếc harmonica từ nơi ống quần xắn lên hai bận…
Lý chống cằm, nghe Minh Hậu đàn và hát.
Lý hát những bài hát của Lý viết, như “Cao hơn vì sao”, “8 chữ có”… cùng những bài hát “của trẻ con”, như “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (Hàn Ngọc Bích), “Hạt gạo làng ta” (nhạc Trần Viết Bính, thơ Trần Đăng Khoa), “Em đi giữa biển vàng” (Bùi Đình Thảo)… Những bài hát - theo Lý - buồn nhưng hát lên lại thấy vui, không như nhiều bài cứ tưởng vui nhưng hát lên lại thấy buồn tênh.
Thỉnh thoảng, Lý lại hỏi, mọi người nghe Lý hát có vui không. Ở dưới vang lên mấy tiếng “Quá vui!”.
“Bữa giờ, sau Ba Vì (Hà Nội), đây là nơi thứ 2 em được nghe “quá vui” đấy. Và, thích nhất ở đây là không gian im lặng, ở nhiều nơi khác em chẳng tập trung được. Có nơi, em được yêu cầu hát bài “Không cảm xúc”, rồi “Vợ người ta”. Trời, em đâu có biết có cả bài hát gọi là “không cảm xúc”!”, Lý hồn nhiên kể.
Các thành viên ban nhạc AHF làm quen với nhạc cụ của Khù Khờ Tour.
3.
Khù Khờ Tour đến với người khuyết tật của Chi hội Nguyễn Nga một cách thật tình cờ. Bích Phượng, cô gái ôm đàn tranh ngồi trên xe lăn chia sẻ rằng, chẳng bao giờ cô dám nghĩ sẽ có một ngày mình và các bạn được ngồi đối diện với nhạc sĩ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý cùng những người bạn tài năng.
Ở chiều ngược lại, các thành viên của Khù Khờ Tour cũng có một trải nghiệm đặc biệt khi thưởng thức các tiết mục biểu diễn của ban nhạc AHF - được ghép nên từ những người khuyết tật đam mê âm nhạc trong cả tỉnh. Sau hòa tấu “Vũ khúc ngày Xuân”, tứ tấu đàn tranh “Xuân chiến khu”, những người bạn từ nơi xa đến còn yêu cầu một tiết mục đơn. Và khi chàng trai khiếm thị Minh Hậu ôm đàn hát “Thắp sáng yêu thương” - một khúc ca đầy tin yêu vào cuộc sống tự mình viết nên, “Khù Khờ Lý” cứ chống cằm mải mốt nhìn.
“Khù Khờ Việt” (áo trắng) nói chuyện về ăn uống và tăng huyết áp.
4.
Lý giới thiệu, ngoài “Khù Khờ Lý”, nhóm Khù Khờ hát còn có “Khù Khờ Tú” chơi piano và cello, “Khù Khờ Mai” chơi sáo Tây… Bên cạnh đó là nhóm Khù Khờ khỏe, Khù Khờ học, Khù Khờ đẹp. Trong nhóm Khù Khờ khỏe có cô gái trẻ Phan Thị Hoài Việt, đang học năm cuối y khoa của Trường ĐH Harvard (Hoa Kỳ). Sau chương trình giao lưu âm nhạc, Việt đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của nhiều người khuyết tật về các chủ đề thiết thân như rửa tay đúng cách, chuyện ăn uống của người tăng huyết áp, tác hại của thuốc lá và cai thuốc lá… Không dừng lại ở đó, nhiều nơi đã qua, Khù Khờ Tour còn lập hồ sơ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tìm các “Mạnh Thường Quân” để giúp sức.
“Lý mong muốn kết nối những những người bạn có năng lực và tử tế lại với nhau, nên đã tập hợp được một nhóm các bạn trẻ đầy nhiệt huyết tham giam Khù Khờ Tour, để cùng mình làm một điều gì đó tươi đẹp, tập trung vào niềm vui, cái đẹp và bớt đi sợ hãi về những gì bị cho là xấu xí”.
LÊ CÁT TRỌNG LÝ
Cho đến nay, Khù Khờ Tour đã đi được 22 ngày, qua 14 tỉnh với hơn 3.000 cây số, dừng chân ở 12 điểm. Hành trình ấy sẽ kéo dài sang đến đầu tháng 4.
Người ta đang dùng “xì-căng-đan” để nổi tiếng, lấy “ngực bự” làm chiêu PR cho quyển sách viết về mình. Còn Lý và bạn bè - những người trẻ, rất trẻ - cứ lặng thầm ruổi rong để đem niềm vui đến với những chốn nơi hẻo lánh, những ngõ đời quanh co.
Đó chính là “khù khờ phiêu lưu kí của Lý và bạn bè”.
NGUYỄN VĂN TRANG