NSƯT Kim Thủy: Ðược hát cho chiến sĩ và đồng bào Trường Sa là một hạnh phúc
Năm 1992, nhạc sĩ Huỳnh Phước Long trao đứa con tinh thần “Gần lắm Trường Sa” cho ca sĩ Kim Thủy (lúc bây giờ đang công tác tại Ðoàn nghệ thuật Quân khu 5) và cô đã thể hiện ca khúc này bằng trái tim yêu thương. Ngay lập tức trở thành bài hát “hit”, được chiến sĩ, đồng bào Khu 5 yêu cầu nhiều nhất trong chương trình có Kim Thủy biểu diễn.
Ca sĩ Kim Thủy biểu diễn tại Trường Sa
Kim Thủy thường xuyên hát về đảo, về Trường Sa và ước ao có một ngày ra đảo trực tiếp phục vụ đồng đội- các chiến sĩ trên tiền tiêu Tổ quốc.
Tháng 4.2001, sau khi trở thành ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7, Kim Thủy đã ra Trường Sa, thực hiện được ước ao đến đảo phục vụ chiến sĩ. Khi tiếng hát của cô ca sĩ đất Võ vút lên giai điệu “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương, chỉ có loài chim biển, sóng vỗ trập trùng, bên nhành trúc san hô...”, “Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...” khiến các chiến sĩ vỡ òa, như gần lắm với đất liền, như được ở cạnh những người yêu thương. Từng tràng vỗ tay kéo dài mãi…
Chính vì thế, khi biểu diễn, dù ở Song Tử Tây, Cô Lin, hay Trường Sa Lớn…Kim Thủy phải hát đến hai, ba lần theo yêu cầu của chiến sĩ. Với Kim Thủy, chuyến đi Trường Sa lần đầu tiên ấy là một đặc ân, nhiều kỷ niệm và thật hạnh phúc!
Nhân dịp 35 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29.4.1975- 29.4.2010), Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 ra Trường Sa phục vụ chiến sĩ và đồng bào trên đảo. Đây là chuyến đi thứ 2 ra đảo của ca sĩ Kim Thủy và cô đã cháy hết mình, không nề hà gian khó, vất vả, không những để phục vụ cho chiến sĩ và đồng bào trên đảo mà còn phục vụ, chăm sóc anh chị em trong Đoàn đi ra đảo. Đến mỗi đảo, các chiến sĩ yêu cầu Kim Thủy hát bài gì là Kim Thủy sẵn sàng hát.
Khi đến nhà giàn DK1, biển động, sóng to, không lên được nhà giàn, Kim Thủy cùng Thanh Thúy, Trọng Khoa hát phục vụ qua máy bộ đàm. Giọng cất lên: “Phía xa chân trời nghìn trùng sóng gió, có những người thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng… Ngoài kia không có ngọc lan, không tiếng chim hót ngày nắng hồng. Không hẹn hò và không đón đưa, những trưa chiều về không tiếng hát…” trong rưng rưng nước mắt, khiến nhiều người trên tàu cũng thổn thức.
Trên đảo Trường Sa Lớn, Đoàn được nghỉ dưỡng sức, Kim Thủy cùng một số ca sĩ trẻ, trong đó có Tường Vi (quê ở xã Ân Tường, huyện Hoài Ân), tranh thủ dạo “thị trấn đảo”. Tại đây Kim Thủy được gặp những người đồng hương Bình Định như vợ chồng anh Yên chị Hoa, vợ chồng anh Trường chị Hạnh, vợ chồng anh Hải chị Nhung. Theo yêu cầu của bà con, Kim Thủy và nhóm ca sĩ trẻ, trong đó có Tường Vi, đã hát không đờn, không trống để phục vụ bà con những ca khúc về quê hương: “Bên bờ sông Côn”, “Mừng tuổi mẹ”, “Non nước quê dừa”, “Đi tìm người hát lý thương nhau”... Phần thưởng không chỉ là những tràng vỗ tay kéo dài, những quả bàng vuông, những con sò biển, mà là tấm lòng, tình cảm vô bờ bến của cả người hát và người nghe dành cho nhau.
Chính điều này, nên khi về đất liền, ca sĩ Tường Vi tâm sự với Kim Thủy: “Khi được hát cho bà con mình, nhất là những người con xứ Nẫu giữa Trường Sa mênh mông sóng vỗ, em cảm thấy như được hát ngay chính quê nhà. Lạ hơn nữa, khi hát những ca khúc ấy trên đảo em mới thực sự cảm nhận hết được linh hồn, tình cảm, ý nghĩa sâu sắc tác phẩm của các nhạc sĩ Vĩnh An, Trần Long Ẩn…”.
Trong các buổi biểu diễn hay trong giây phút bịn rịn chia tay chiến sĩ và đồng bào, tiếng hát của Kim Thủy khiến nhiều người rơi lệ, bởi họ xúc động vô bờ khi nhận ra phía sau các chiến sĩ Trường Sa là triệu triệu trái tim của đất Mẹ, luôn dõi theo và là chỗ dựa vững chắc cho họ.
NSƯT Kim Thủy (được phong tặng danh hiệu đầu năm 2016) quê ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Hiện nay cấp bậc Trung tá, Ðội trưởng Ðội ca Ðoàn nghệ thuật Quân khu 7. NSƯT Kim Thủy cũng là thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Tây Sơn tại TP Hồ Chí Minh.
PHAN QUANG