Danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”:
Cơ hội để phát triển “Thương hiệu Bình Ðịnh”
Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) nên hoạt động xuất khẩu (XK) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, ngày càng có nhiều DN Bình Ðịnh đạt danh hiệu “DNXK uy tín Việt Nam”. Ðây chính là điều kiện và là cơ hội để “Thương hiệu Bình Ðịnh” ngày càng phát triển.
Chương trình “DNXK uy tín Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với một số bộ, ngành, sở công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện từ năm 2004. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp tích cực của các DNXK trong tăng trưởng XK của Việt Nam; giới thiệu, quảng bá các DNXK Việt Nam với đối tác nước ngoài. Chương trình cũng nhằm nâng cao ý thức của DN Việt trong việc xây dựng, bảo vệ uy tín thương hiệu của mình trong các hoạt động thương mại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với DN Việt Nam.
Công nhân Công ty cổ phẩn Thủy sản Bình Định đang sản xuất. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Nỗ lực để trở thành “DNXK uy tín”
Theo bà Trần Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Công Thương, tiêu chí xét chọn danh hiệu “DNXK uy tín” gồm: DNXK trực tiếp và có lãi trong 2 năm liên tục trước năm xét chọn; không vi phạm pháp luật Việt Nam, không bị các đối tác trong và ngoài nước khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; thực hiện nghiêm túc hợp đồng XK; hoàn thành các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước; kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trong 12 tháng liên tục tính đến thời điểm xét chọn đạt mức tối thiểu đối với từng nhóm hàng/mặt hàng…
Điều đáng ghi nhận là nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt danh hiệu “DNXK uy tín Việt Nam”. Tiêu biểu trong số này là Công ty CP Lương thực Bình Định (BIDIFOOD). Trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Phạm Văn Nam, Tổng giám đốc BIDIFOOD, cho biết: Là một trong những DN đầu tiên được thành lập sau năm 1975, trải qua hơn 40 năm hoạt động, DN nỗ lực phấn đấu, xây dựng BIDIFOOD trở thành thương hiệu XK lương thực, nông sản hàng đầu và uy tín tại Việt Nam. Sản phẩm của DN hiện đã vươn tới hơn 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… Hơn 10 năm qua (2004-2014), BIDIFOOD liên tục được Bộ Công Thương tặng danh hiệu “DNXK uy tín Việt Nam”…
Ngoài BIDIFOOD, trên địa bàn tỉnh còn có một số DN nhiều năm đạt danh hiệu “DNXK uy tín Việt Nam”, như: Công ty CP Phú Tài; Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR); Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt; Công ty CP Thủy sản Bình Định; Công ty CP Công nghệ Gỗ Đại Thành…
Hiệu quả hoạt động XK của các DN trên địa bàn không chỉ khẳng định uy tín, thương hiệu của DN, mà còn góp phần vào tổng KNXK của tỉnh. Theo thống kê, trong 5 năm (2011-2015), tổng giá trị KNXK toàn tỉnh thực hiện đạt 3,1 tỉ USD, đạt 111% so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII (2,8 tỉ USD); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,9%, cao hơn mục tiêu đề ra là 8,6%.
Tiếp tục phát triển “Thương hiệu Bình Định”
Mới đây, Sở Công Thương đã thông báo đến các DN trên địa bàn tỉnh về việc xét chọn danh hiệu “DNXK uy tín Việt Nam năm 2015”. Theo thông báo, việc xét chọn danh hiệu trên sẽ thực hiện theo Quyết định số 7312/QĐ-BCT ngày 7.1.2013 về việc ban hành quy chế xét chọn DNXK uy tín. Theo bà Trần Ánh Tuyết, qua thông báo của Bộ Công Thương, các DN đạt danh hiệu “DNXK uy tín” sẽ nhận được sự hỗ trợ khi tham gia các hoạt động về XTTM, thông tin thị trường, thương mại điện tử…
Vấn đề đặt ra là, liệu sẽ có bao nhiêu DN trên địa bàn tỉnh đạt danh hiệu “DNXK uy tín - 2015”? Liệu các sản phẩm gỗ, đá, thủy sản, gạo… của các DN trên địa bàn có trở thành “Thương hiêu Bình Định” trong tương lai? Xung quanh vấn đề này, theo ông Phạm Văn Nam, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là phải cạnh tranh khốc liệt với gạo Thái Lan, song công ty sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt danh hiệu “DNXK uy tín - 2015”, đồng thời quyết tâm giữ vững “Thương hiệu BIDIFOOD”.
Còn theo bà Trần Ánh Tuyết, Sở Công Thương cũng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, như: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động XTTM, duy trì việc hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia các hội chợ trong nước, ngoài nước, quảng bá sản phẩm hàng hóa, tìm kiếm thị trường XK, mua bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo lao động, góp phần nâng cao chất lượng quản lý sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nhất là đối với các lĩnh vực XK “mũi nhọn” như chế biến gỗ, đá, thủy sản, nông sản… Đồng thời, Sở cũng sẽ tăng cường công tác dự báo thị trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, XK, thông tin đến DN về các loại rào cản, chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động XK, cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro cho DN khi thực hiện các hợp đồng XK.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi của UBND tỉnh đối với các DN chế biến gỗ, chế biến thủy sản XK. Trong số này có chính sách khuyến khích sản xuất đồ gỗ nội thất theo Quyết định số 16 của UBND tỉnh về “Điều chỉnh chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ nội thất trên địa bàn tỉnh” và chính sách hỗ trợ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi theo Quyết định số 3174 của UBND tỉnh.
VIẾT HIỀN