Hạn chế các tầng nấc trung gian để giảm giá thuốc
Sáng 25.3, Quốc hội thảo luận tại hội trưởng về Luật dược sửa đổi. Dự thảo luật này đã được thảo luận ở kỳ họp trước.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày báo cáo trong phiên họp sáng 25.3.
Cấm quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu lầm là thuốc
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dược (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày đã nhấn mạnh, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật dược (sửa đổi) có những chính sách mới so với dự thảo Luật dược 2005. Cụ thể, những chính sách ưu tiên phát triển y học cổ truyền (YHCT); quy định các chính sách mới về quản lý các loại thuốc như hạn chế bán rộng rãi một số loại thuốc có nguy cơ dễ bị lạm dụng hoặc dễ gây kháng thuốc (thuốc hướng thần, gây nghiện, thuốc chữa sốt rét, lao, HIV); thành lập Hội đồng liên ngành để xác định nguyên nhân và chịu trách nhiệm khi thuốc gây tai biến cho người sử dụng.
Cùng với đó, mở rộng dịch vụ bán thuốc nhằm đáp ứng yêu cầu nhân dân như cho phép bán một số loại thuốc không kê đơn tại một số cơ sở kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện ích…; khuyến khích và giao nhiệm vụ một số nhà thuốc bán thuốc ban đêm; cho phép khuyến mại thuốc để điều trị miễn phí cho bệnh nhân tại các bệnh viện; tổ chức quầy thuốc lưu động ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đi vào giải trình các vấn đề cụ thể, bà Trương Thị Mai cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh các hoạt động về quản lý mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế; một số ý kiến lo ngại về việc lạm dụng quảng cáo làm người tiêu dùng lẫn lộn giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế tuy có tác dụng đối với sức khỏe con người nhưng có cơ chế điều chỉnh khác với thuốc. Hiện nay, thực phẩm chức năng được quản lý bằng quy định của Luật an toàn thực phẩm; mỹ phẩm được quản lý bằng Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật hóa chất.
Để tiếp tục quản lý tốt hơn những vấn đề này, Bộ Y tế dự kiến sẽ trình Chính phủ xây dựng dự án Luật về trang thiết bị y tế và Luật về mỹ phẩm trong thời gian tới. Do đó, không đưa nội dung này vào điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của ĐB, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cấm quảng cáo, tiếp thị, tư vấn các sản phẩm không phải là thuốc mà có nội dung gây hiểu lầm là thuốc.
Chưa nên cho phép bán thuốc qua mạng
Về chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược, hiện có 2 loại ý kiến về thời hạn của CCHN dược, đó là cấp CCHN có thời hạn 5 năm và cấp CCHN dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn. Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, việc cấp CCHN 5 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với CCHN dược. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cấp CCHN 1 lần. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định một trong hai phương án cấp CCHN: cấp 1 lần hoặc cấp CCHN có thời hạn 5 năm; dự thảo Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng cho phép bán một số thuốc theo danh mục hạn chế tại kệ thuốc của siêu thị và các cơ sở kinh doanh khác nếu đáp ứng được yêu cầu về nhân sự và điều kiện bảo quản thuốc như các nước đang làm. Có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức kinh doanh thuốc qua mạng trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, qua thống kê của một số tổ chức quốc tế, có đến 90% thuốc kinh doanh qua mạng là bất hợp pháp và 50% thuốc bán qua mạng là thuốc giả. Do vậy, trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận với thuốc tốt, chỉ nên quy định cho phép bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và chưa nên cho phép kinh doanh thuốc qua mạng.
Về quản lý nhà nước về giá thuốc, tinh thần Luật dược thể hiện rõ, giá thuốc được điều chỉnh bởi các quy định của Luật giá. Luật cũng quy định, các cơ sở kinh doanh thuốc phải niêm yết giá thuốc tại cơ sở kinh doanh để người dân và cơ quan quản lý nhà nước tiện quan sát và kiểm tra.
Thảo luận về Luật dược sửa đổi, hầu hết các ĐBQH đánh giá cao việc dự thảo lần này đã tiếp thu cơ bản các ý kiến đóng góp của ĐBQH tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, như ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, còn nhiều vấn đề phải bàn thêm. “Về quản lý giá thuốc, cần phân tích nguyên nhân khiến giá thuốc cao, là do nhiều tầng nấc trung gian; độc quyền kê đơn, tiêu cực trong kê đơn. Vì vậy, cần hạn chế các tầng nấc trung gian để giảm chi phí. Về phía bệnh viện, không chỉ là 1 giải pháp đấu thầu; về chuyên môn phải có phác đồ điều trị chuẩn thì mới hạn chế được tiêu cực trong kê đơn..”, bà Lan nói.
Về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, bà Lan vẫn giữ quan điểm phải có chương riêng về vấn đề này. “Dự thảo luật chưa có, giải trình là sẽ xây dựng, vậy thì bao giờ có trong khi thực tiễn đang rất cần. Ít nhất vẫn phải có những điều khoản cấm, quy định trong dự thảo luật. Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vẫn phải được quản lý chặt chẽ”, ĐB Phong Lan phân tích. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lại đồng ý không đưa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vào luật dược, nhưng hiện nay đó là vấn đề nhức nhối của xã hội bởi quảng cáo sai sự thật, người dân bị nhầm lẫn. Vì vậy cần có những quy định về lĩnh vực này.
Vấn đề “mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau” khiến nhiều ĐBQH bức xúc. ĐB Đỗ Văn Vẻ cho rằng, để tránh tình trạng bán kháng sinh dễ dãi như hiện nay, cần phải có quy định chặt chẽ hơn.
Theo PHAN THẢO (SGGP)