TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Dự thảo Luật dược (sửa đổi)
Sáng nay, 25.3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật dược (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã phát biểu góp ý Dự thảo Luật này. Dưới đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh phát biểu góp ý Dự thảo Luật dược (sửa đổi).
VỀ CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NHÀ THUỐC, QUẦY THUỐC HOẠT ĐỘNG 24/24H
Tôi đồng ý với quy định khuyến khích các nhà thuốc, quầy thuốc hoạt động 24/24H. Việc này tạo điều kiện cho người dân được cung cấp thuốc lúc khẩn cấp, như trẻ con bị sốt cao, người già bị tăng huyết áp, người lao động hay người dân bị thương vào ban đêm mà chưa tới mức phải nhập viện.
Tuy nhiên, quy định tại điều 50 và điều 51 quy định nhà thuốc, quầy thuốc bán từ 22h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau theo sự phân công của giám đốc sở y tế là không hợp lý vì nhà thuốc, quầy thuốc là người kinh doanh, đa phần là tư nhân không phải là cấp dưới của giám đốc sở y tế. Nếu giám đốc sở y tế phân công thì sẽ phân công luân phiên hay chọn cố định một số nhà thuốc, quầy thuốc. Nếu chọn cố định thì ai sẽ trả thêm tiền cho dược sĩ và các chi phí phát sinh như lắp đặt thêm hệ thống cửa sổ để đảm bảo an toàn cho việc bán thuốc ban đêm, không chỉ chờ vào chính quyền cấp xã có biện pháp an ninh khi có yêu cầu như quy định trong dự thảo Luật, vì tội phạm chỉ cần 5 phút để thực hiện xong hành vi cướp tài sản. Nếu phân công luân phiên thì dược sĩ của các nhà thuốc, quầy thuốc có sắp xếp được không, người dân khi cần thì làm sao biết nhà thuốc, quầy thuốc nào đang được phân công. Nếu chỉ được phân công mà không hỗ trợ thì với nhiều lý do, nhà thuốc, quầy thuốc có thể không phục vụ cho người dân, lúc đó tình trạng người bệnh càng nguy cấp hơn; chế tài xử lý nhà thuốc, quầy thuốc cũng không dễ thực hiện.
Tôi nghĩ Luật chỉ đưa chính sách khuyến khích, để người kinh doanh tự quyết định phục vụ theo nhu cầu xã hội sẽ khả thi hơn. Vì vậy, tôi đề nghị không giao giám đốc sở y tế phân công, mà cho phép nhà thuốc, quầy thuốc đăng ký với sở y tế phục vụ 24/24h, họ sẽ được thu một khoản phí cố định mỗi lần bán từ 22h00 đến 6h00, không thu theo tỷ lệ trên giá trị hóa đơn. Khoản phí này chỉ nên bù đắp một phần nhỏ chi phí phải trả cho dược sĩ làm thêm giờ và các chi phí phát sinh khác, phần bù đắp còn lại chính là nhờ vào tổng số lợi nhuận tăng lên do có được nhiều khách hàng thân quen hơn, vì người tiêu dùng sẽ có thiện cảm, ưu tiên hơn đối với nhà thuốc, quầy thuốc phục vụ 24/24h. Như vậy, khoản phí người dân bỏ ra để có được dịch vụ cung cấp thuốc vào ban đêm sẽ không lớn so với sự hài lòng của người dân khi được cung cấp thuốc trong tình trạng sức khỏe của mình, của người thân đang diễn biến xấu.
Đối với vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, Luật quy định bố trí tối thiểu 1 quầy thuốc phục vụ 24/24h trong phạm vi hợp lý, ví dụ trong khoảng cách tương đương 15 phút đi xe máy. Đối với những quầy thuốc ở khu vực này thì ngoài việc được thu phí cố định mỗi lần bán từ 22h đến 6h00 thì Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, bù đắp khác.
Loại phí cung cấp thuốc ban đêm sẽ được bổ sung vào danh mục phí của Luật phí, lệ phí và Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể mức phí hợp lý cho từng khu vực, từng thời kỳ.
VỀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG DƯỢC LIỆU NHẬP KHẨU
Hiện nay, tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng xảy ra rất phổ biến. Việc kiểm tra chất lượng dược liệu nhập khẩu của Bộ Y tế và Hải quan bị hạn chế do thiếu nhân lực và cơ sở vật chất; đối với dược liệu đã qua chiết xuất thì việc kiểm tra, đánh giá chất lượng còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy tôi đề nghị Luật bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm, đó là cấm nhập khẩu dược liệu đã qua chiết xuất. Trường hợp Việt Nam không có nguồn dược liệu thay thế thì Chính phủ sẽ cấp phép cho nhập khẩu hạn chế.
Để đảm bảo người dân sử dụng thuốc làm từ dược liệu nhập khẩu đảm bảo chất lượng, theo tôi, phải kiểm tra nhiều bước. Ở bước nhập khẩu dược liệu thì cần phải biết nguồn gốc dược liệu nhập khẩu, đánh giá được uy tín của đơn vị xuất khẩu dược liệu, việc này sẽ quy định thêm vào trách nhiệm của các hội về dược trong việc tăng cường giao lưu, hợp tác với nước ngoài. Đối với đơn vị sản xuất thuốc trong nước thì phải đảm bảo tỷ lệ giữa số lượng thuốc sản xuất từ dược liệu nhập khẩu trên số lượng dược liệu nhập khẩu đạt được một con số hợp lý. Vì vậy, tôi đề nghị bên cạnh việc công bố tiêu chuẩn dược liệu theo quy định tại khoản 2, điều 72, cần bổ sung nội dung “Tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc có trách nhiệm định kỳ báo cáo tỷ lệ số thuốc trên số dược liệu”. Quy định này cũng hạn chế việc nhập khẩu dược liệu kém chất lượng vì khi luật ban hành thì dược liệu này sẽ khó tiêu thụ hơn trên thị trường.
VỀ NHỮNG HÀNH VI BỊ CẤM QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 7
Theo tôi, để người bệnh được sử dụng thuốc đảm bảo chất lượng, ngoài việc thuốc đó không phải là thuốc giả theo giải thích tại khoản 31, điều 2, thì thuốc đó phải được bảo quản theo đúng quy định từ khi sản xuất đến khi sử dụng. Đối với một số loại thuốc nếu không bảo quản đúng quy định, khi sử dụng có thể gây chết người. Vì vậy tôi đề nghị điều 7 bổ sung 1 quy định về hành vi bị nghiêm cấm đó là: cấm kinh doanh thuốc, cứu chữa bệnh nhân bằng thuốc không được bảo quản đúng quy định.
Khoản 7, điều 7 quy định cấm thay đổi, sửa chữa hạn dùng của thuốc khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Quy định như vậy là Luật tạo điều kiện để có cơ quan quản lý nhà nước cho phép doanh nghiệp thay đổi, sửa chữa hạn dùng của thuốc, quyền lợi của người sử dụng thuốc sẽ khó được bảo đảm, trong khi chúng ta biết hạn dùng của thuốc là để đảm bảo người bệnh được sử dụng thuốc đúng chất lượng,
Trong trường hợp cần đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, nhu cầu điều trị đặc biệt mà số lượng thuốc còn hạn sử dụng không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu, trong khi thuốc vừa hết hạn dùng có thể đảm bảo được chất lượng tối thiểu, thì Luật có thể quy định cụ thể cơ quan nào, cá nhân nào có quyền đưa ra quyết định cho phép sử dụng thuốc vừa hết hạn sử dụng, phải nêu rõ số lượng sử dụng bao nhiêu, sử dụng trong khoảng thời gian bao lâu và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nhưng cũng không được thay đổi, sửa chữa hạn dùng đã ghi trên thuốc. Nếu cơ quan soạn thảo chưa thể cụ thể được nội dung trên thì tôi đề nghị khoản 7, điều 7 chỉ quy định là cấm thay đổi, sửa chữa hạn dùng của thuốc. Trường hợp vì an ninh, an toàn của quốc gia, của cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định việc kéo dài thời gian sử dụng của thuốc.
Điểm h, khoản 1, điều 65 quy định trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày đầu tiên của tháng hết hạn. Nếu tôi là người tiêu dùng, khi mua thuốc mà hạn dùng ghi tháng 3.2016 thì tôi sẽ nghĩ thuốc có thể sử dụng đến hết ngày 31.3.2016, trong khi theo quy định của Luật thì ngày 1.3.2016 thuốc đã hết hạn. Quy định như trên là dễ gây hiểu lầm dẫn đến việc người tiêu dùng sẽ mua, sử dụng thuốc đã hết hạn dùng mà không biết. Tôi chưa rõ là các nước xuất khẩu thuốc cho Việt Nam quy định như thế nào, tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng thuốc, tôi đề nghị điểm h quy định lại là: trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn. Nếu điều chỉnh như vậy thì nhà sản xuất sẽ ghi lại hạn dùng trên thuốc giảm bớt 1 tháng.
NGUYỄN VĂN CẢNH