“Định vị” tương lai!
Chỉ còn một tuần nữa là gần một triệu thí sinh cả nước bước vào một kỳ thi mang tính “bước ngoặt” của cuộc đời. Nói “bước ngoặt” là vì với việc chọn học ngành nghề nào ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, chọn học chữ hay học nghề, thì từ kỳ thi này mỗi người cũng đã bắt đầu “định vị” tương lai cho mình.
Lâu nay, điều mà xã hội chúng ta vừa quan tâm vừa lo lắng là sự mất cân đối trong đào tạo ở các bậc học sau phổ thông. Quan tâm vì nó là chuyện quan trọng của một đời người, là chuyện liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực của cả quốc gia. Lo lắng vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường lao động còn nhiều bất cập do người học thích chọn đại học hơn cao đẳng, thích cao đẳng hơn trường nghề, thích đổ xô vào các ngành “nóng” bất kể nhu cầu ra sao… dẫn đến tình trạng “thừa thầy dở, thiếu thợ giỏi”, hoặc “lỡ thầy lỡ thợ” không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Từ nhiều năm qua, tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp, làm việc trái ngành nghề được đào tạo; tình trạng cử nhân đại học, cao đẳng đi làm công nhân lao động phổ thông… không ít, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn là bài toán chưa có lời giải. Thực trạng này không chỉ làm phí phạm nguồn lực của xã hội về thời gian, tiền bạc mà còn là trở lực không nhỏ cho sự hội nhập và phát triển của nền kinh tế đất nước.
Từ nhiều năm qua, nền giáo dục chuyên nghiệp ở nước ta cũng đã có nhiều nỗ lực để cải cách nội dung, đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng chương trình học; bên cạnh đó, số trường lớp đào tạo cũng ngày càng nhiều hơn, khang trang hơn. Thế nhưng, điều quan trọng là hiệu quả, chất lượng đào tạo thì lại thiếu, có cái còn thụt lùi. Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các “vấn nạn” trong công tác giáo dục, đào tạo như đua nhau mở trường, “lên đời” trường để kinh doanh bằng giáo dục đào tạo và hàng loạt các bê bối như chuyện gian dối trong thi cử, học giả bằng thật… đã làm cho bức tranh giáo dục đào tạo vốn đã không mấy sáng sủa lại càng trở nên u ám hơn. Vì vậy, việc xác lập rõ phương hướng đào tạo nguồn nhân lực thiết thực để tránh vết xe đổ như lâu nay là hết sức quan trọng và cần thiết để tạo lập môi trường giáo dục lành mạnh, đúng hướng đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực cho sự phát triển của đất nước.
Về phía người học, trong thời điểm “bước ngoặt” của mình điều hết sức quan trọng cần xác lập rõ mục đích, động cơ, mục tiêu học tập của mình là gì để chọn ngành, chọn nghề, chọn trường… cho phù hợp với khả năng, điều kiện và sở thích của mình. Từ đó, xác định mình nên học cái gì, học như thế nào để có kết quả tốt nhất nhằm định hướng và tạo lập nền tảng tri thức nghề nghiệp cho sự phát triển trong tương lai cho bản thân mình. Và, suy cho cùng điều quan trọng nhất của mỗi người là phải kiến tạo tương lai cho mình bằng thực học, thực tài của chính mình!
HẢI ĐĂNG