Công nhận Làng nghề truyền thống nước mắm Đề Gi
(BĐ) - Ngày 25.3, UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống của tỉnh theo tiêu chí mới đối với làng nghề nước mắm Đề Gi.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Võ Mai Hưng trao quyết định của UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống của tỉnh theo tiêu chí mới đối với làng nghề nước mắm Đề Gi cho chính quyền và người dân xã Cát Khánh.
Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, nước mắm Đề Gi có từ lâu đời. Với mục đích ban đầu là làm ra sản phẩm để phục vụ cho gia đình, nghề làm nước mắm đã được nhân rộng và phổ biến với hầu hết hộ dân sống ven đầm và biển Đề Gi. Đến nay, ở xã Cát Khánh có gần 300 hộ làm nghề sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu ở hai thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Sản phẩm có nhiều chủng loại và độ đạm khác nhau, được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, nghề làm nước mắm đã tạo điều kiện cho nhiều lao động ở địa phương, nhất là lao động nữ ở các thôn ven biển có việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần vào sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của xã.
UBND xã Cát Khánh tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống của tỉnh theo tiêu chí mới đối với làng nghề nước mắm Đề Gi.
Với những nỗ lực trong việc gìn giữ và phát triển nghề, làng nghề nước mắm Đề Gi đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Theo đó, làng nghề nước mắm Đề Gi sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định của Chính phủ và các chính sách liên quan.
Cùng với việc được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, UBND huyện Phù Cát đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghệ thông tin Bình Định (Sở KH&CN), Sở Công Thương xúc tiến triển khai thực hiện dự án đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Đề Gi” của xã Cát Khánh.
THU HIỀN