Quán nhạc, đêm không mưa
* Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
MỘT
Lần đầu người đàn ông có mặt ở quán nhạc, nhiều người thắc mắc vì khách ở đây, không mấy người chịu ngồi từ đầu cho đến cuối. Lại chẳng mấy ai thích đến một mình. Mà cái gã này vào từ rất sớm và đến hết chương trình, vẫn chưa buồn đứng dậy ra về. Chưa đủ, khi tờ hóa đơn được đưa đến thì gã ấy cứ ngồi vê râu cười ruồi, mặc cho con bé phục vụ thúc giục. Bí thế, nó đành phải mời chủ quán ra giải quyết.
- Khuya quá rồi! Anh Hai tính tiền rồi về chứ!
- …
- Nhà anh Hai ở đâu?
- Ở Ghành Ráng.
- Vậy sao tối nay anh Hai không ở nhà? Không ở Ghành Ráng?
- Mưa buồn.
- Mưa đâu không buồn.
- Ờ!
- Nhưng buồn ở đây tốn kém lắm! Mà hình như anh Hai không đem tiền.
- Trời ơi! Vậy đội mưa tới đây chi cho khổ. Ở nhà. Ở Ghành Ráng có buồn cũng khỏi mất tiền, mất công.
- Ờ! Ờ!...
Người quản lý đứng gần đó, nghe và hiểu liền. Cùng lúc biết mình phải làm gì nhưng thôi ngay sau cái khoát tay ra hiệu “đừng” của chủ quán, vội vàng giải quyết mấy việc còn lại trước khi hấp tấp ra về. Cũng đã khuya lắm rồi. Lần lượt cánh nhạc công, ca sĩ, mấy người phục vụ rời quán nhạc. Chỏng chơ bên trong là người đàn ông và trơ trọi nơi bãi giữ xe là chiếc cánh én của gã. Chưa đủ, còn thằng nhỏ ngồi khoác áo cánh dơi ngồi đợi trên bậc thềm. Khi người đàn ông đi qua nó để bước xuống bậc tam cấp, thằng nhỏ gọi: “Chú ơi!” và xòe rộng một bàn tay, giơ thêm một ngón nữa.
Đó cũng là tín hiệu của hai chú cháu mỗi khi trời mưa và người đàn ông trở lại quán nhạc. Cũng như, ông chủ đã hiểu sự việc vốn thế vẫn không đừng, kéo ghế ngồi đối diện với người khách đặc biệt này và hỏi han. Vẫn chừng đấy chuyện, chừng đấy câu. Câu đầu không nhiều âm vui: “Khuya quá rồi. Anh Hai tính tiền rồi về chứ!”, nhưng những câu đáp trả lặp đi lặp lại, nghe cũng hay hay: “Mưa buồn. Mưa rất buồn!”…
HAI
Cả mấy tháng nay đêm nào người đàn ông ấy cũng có mặt.
Sổ nợ ghi tên “Ông Sáu ngón” kéo dài. Người quản lý đã nhắc khéo chủ quán đến mấy lần, nhưng đều được trả lời bằng một nụ cười hiền và cái nhún vai, lắc đầu. Có nghĩa, không đòi tiền, không làm gì ông ấy cả. Có nghĩa, hắn ta vẫn có quyền đến đây, yên vị ở cái chỗ của mình, uống thứ nước đen sánh, đắng nghét của gã với mấy bình trà nóng. Không quên rung đùi hát nhẩm theo ca sĩ cho đến hết mùa này mà năm nay rất lạ, mưa có vẻ kéo dài.
Đem chuyện tâm sự với tụi ca sĩ. Mấy thằng con trai im lặng còn tụi nữ la toáng lên: “Chú ấy uống cả năm còn được nữa là. Có là bao! Một tháng cà phê của chú ấy đã chắc gì bằng mấy ly rượu ngoại của người ta chưa mà cuống lên như thế!”. Rồi thắc mắc với đám phục vụ thì chúng nó quắc mắt: “Người ta nợ chủ quán chứ nợ chú à!”. Chưa đủ, có mà lỡ mồm ra than thở với thằng nhóc giữ xe thì nó vùng vằng, đá thúng đụng nia ngay.
Chẳng là, gã đây chẳng chịu chuyện trò với ai ngoại trừ thằng bé giữ xe. Thằng này thường gọi gã là: Chú Cánh Én. Và những người khác? Những người ở cái quán nhạc này ấy mà. Sao có thể nghĩ ra lắm cách gọi, nhiều kiểu kêu đến thế cơ chứ! Tỉ như: Lão Lục Chỉ là của tay quản lý mà gọi sao hằn học. Chả bù cho thằng nhỏ, gọi rất là thương yêu ân cần… Rồi ông Sáu Ngón là của cô bé ngồi két, kêu rất ư là… vô cảm. Anh Hai là của chủ quán. Gọi bình thường hơi hơi bỡn cợt một chút với giọng nửa nam nửa bắc: “Anh Hai tính tiền rồi về chứ! Nhà anh Hai ở đâu?”. Mấy tay nhạc công kêu người ở Ghành Ráng. Kêu vậy để đỡ phải nhầm với tên một ca khúc có tựa “Người đến từ Triều Châu”. Các cô ca sĩ kêu là nhân vật xưa. Xưa, vì người đàn ông này có tật hát nhạc nay là nhíu mày khó chịu. Còn nghe nhạc cổ cổ một chút, những bài hát ở thập niên sáu mươi chẳng hạn, là lộ hẳn vẻ thích thú. Nghe rất mê say và thường lẩm nhẩm hát theo. Nhạc công, ca sĩ gọi nghe chừng chẳng bình thường và chắc chắn là không vô cảm rồi. Bỡn cợt thì không và cũng chẳng le lói một tí gì là thương yêu ân cần. Gọi. Để xem như thế nào nhỉ: “A! Người Ghành Ráng”, “Ơ! Nhân vật xưa” hết sức tùy nghi và dựa theo tâm trạng. Chuyện! Đàn hát ấy mà. Đâu thể mười hôm như chục. Hôm chơi rất nản có mở mồm nhắc tới “Người Ghành Ráng” sao tránh được cái việc uể oải, chẳng đặng đừng. Đêm chơi thật hưng phấn chỉ muốn gọi với cao. Giọng ùa ập những niềm vui: “Ô! Nhân vật xưa. Ơ! Nhân vật xưa…”. Còn chàng trai pha và lắc rượu đẹp như múa thì bảo: “Ấy! Lữ hành trong mưa” dựa theo tên của một bộ phim Pháp.
BA
Đêm đầu ráo hoảnh, tạnh khô sau rất nhiều đêm mưa dầm dề, rả rích. Quản lý đến quán đầy phấn khích nhưng suốt mấy tiếng đồng hồ nơi ấy, cái cảm giác đó cứ mất dần, rơi rụng dần. Không còn có một ai đó để cho mình phải hút hết hồn vía vào. Để cho mình phải thường xuyên lưu ý và quan sát, tưởng sẽ nhẹ nhõm lắm, ai dè… Một cảm giác rất khó tả. Cứ thế nào ấy. Khó chịu ư, nghĩ thế có khác gì mình trông mưa mình trông có Lục Chỉ. Hụt hẫng ư, là không phải và dễ chịu. Kỳ dị quá! Thứ tâm trạng này. Nhú dần lên trong lòng lão quản lý và rất nhanh, loang rộng. Khi không có người để được dõi theo và chuyển những bực bỏ, ghét tức vào đấy! Con người không bình thường đầy đặn nổi. Quán nhạc, đêm không mưa. Lỏng chỏng quá! Bước chân đi lại. Một chỗ ngồi. Muôn vàn cảm giác, cũng lỏng chỏng nốt. Dẫu, nhạc công vẫn chơi đàn, ca sĩ vẫn hát, tụi phục vụ vẫn bưng bê… Dẫu, mọi thứ quanh mình vẫn thế!
Chán thật! Khi quán nhạc không người Gành Ráng. Không nhân vật xưa. Những bài hát cổ cổ, tối này ban nhạc chơi chẳng hay hớm chút nào mà khách áng chừng như chẳng hiểu gì. Phải chi có một người! Đi ngang chỗ Lục Chỉ thường ngồi, lớ ngớ thế nào lão đụng ngay cái chân bàn suýt ngã. Nhìn cô bé ngồi két bỗng thèm thấy lại ông Sáu ngón. Và nhác bóng chủ quán đầu ong ong câu hỏi: “Sao vậy anh Hai?”.
Có vẻ như chỉ riêng mình những tình cảm ấy, ý nghĩ ấy vì dường như mọi việc ở quán nhạc vẫn chẳng có gì suy suyển. Vẫn kín chỗ ngồi với cả đàn ông lẫn đàn bà. Cùng ly rượu mạnh, hộp sữa tươi, lon bia ướp, cốc hoa quả… Và í ới gọi món và í ới kêu tính tiền… Vẫn đấy, chủ đứng khoanh tay dõi nhìn quanh quất. Vẫn đấy, khách đến rồi đi. Vẫn những người làm công, thoăn thoắt và nhịp nhàng làm việc. Không có gì khác thường. Chẳng có gì lạ lẫm. Vẫn rất cũ một nơi chốn và thật quen, hết cả những con người này. Mà sao lòng mình bồn chồn, bứt rứt…
Đêm đầu không mưa và cũng đêm thứ nhất trong cuộc đời quản lý, lão muốn rời chỗ làm sớm. Trong cả đêm sau. Rất nhiều đêm sau nữa. Chỉ muốn bỏ về. Nhận ra nơi ấy chẳng có gì vui. Không chút bận lòng, không gắn bó, không vướng lụy. Cùng với những cảm xúc ấy, phải chăng là những mong chờ, ngóng đợi? Đang còn rất lấp lửng và thật mơ hồ…
N.M.N