Nhiều doanh nghiệp không kê khai, niêm yết giá
DN kinh doanh hàng hóa không thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước, niêm yết giá không đúng quy định. Trong đó, mặt hàng được “ưu tiên” kiểm tra đợt này là cước vận tải hành khách lại có chung lỗi không phân tích nguyên nhân, không nêu rõ biến động của các yếu tố tác động làm giảm giá dịch vụ. Đó là kết quả ghi nhận qua đợt kiểm tra liên ngành về giá, do Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Công Thương thực hiện trong tháng 3.2016.
Đoàn đã kiểm tra các hoạt động kê khai giá, niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết tại 19 doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách bằng ô tô tuyến cố định và taxi, DN kinh doanh vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
“Truy” giá cước vận tải
Đợt kiểm tra này được tiến hành ngay sau thời điểm Sở Tài chính ráo riết yêu cầu các đơn vị vận tải giảm giá cước theo mức giảm của giá xăng dầu. Vì thế, giá cước vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định và taxi là mặt hàng đầu tiên được đưa vào tầm ngắm, với 12 đơn vị hiện đang hoạt động. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là “truy” các đơn vị không thực hiện giảm cước vận tải, hoặc chỉ giảm lấy lệ.
Kiểm tra việc thực hiện kê khai và niêm yết giá vật liệu xây dựng tại một DN trên địa bàn tỉnh.
Theo yêu cầu của Sở Tài chính tại công văn số 491/STC-GCS ngày 21.2.2016, các DN kinh doanh vận tải rà soát lại cơ cấu hình thành giá để kê khai lại giá cước vận tải bằng ô tô với mức giảm tương ứng từ 3,8% - 5,6% (đối với xe chạy xăng) và giảm từ 6,9% - 7,8% (đối với xe chạy dầu). Qua kiểm tra thực tế, đa số DN thuộc đối tượng quản lý đều đã thực hiện việc kê khai lại, giảm giá cước theo yêu cầu của Sở Tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN với tỉ lệ thấp hơn yêu cầu, với lý do… chi phí cấu thành giá cước vận tải thực sự cao, nên không thể giảm thấp hơn được nữa.
Điều đáng nói, sau nhiều đốc thúc và ráo riết quản lý, câu chuyện về giá cước vận tải không chỉ ở lỗi DN vận tải có giảm giá cước vận tải hay không. Ông Trương Văn Phương, Trưởng Đoàn kiểm tra, nêu thực trạng: “Kết quả kiểm tra có nhiều DN kinh doanh vận tải thu cước dịch vụ vận chuyển, nhưng không xuất vé, hoặc không giao vé cho hành khách”.
Thực tế kiểm tra tại nhiều đơn vị vận tải cho thấy, lượng vé xuất bán không tăng nhiều so với ngày thường, trong khi lượng khách thì tăng gấp đôi, gấp ba. Và, giá vé được mua - bán theo hình thức thỏa thuận giữa chủ xe, hành khách nên đã được “đôn” lên khá cao so với giá vé đã được liên ngành Tài chính - GTVT cho phép phụ thu dịp Tết.
Còn nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý giá
Mỗi năm, Đoàn kiểm tra liên ngành về giá đều tiến hành ít nhất 4 đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá tại các DN, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị vi phạm lỗi không thực hiện kê khai giá và niêm yết giá không đúng quy định. Trong 19 đơn vị được kiểm tra lần này có 6 đơn vị vi phạm các quy định về quản lý giá hàng hóa, dịch vụ.
Với xu hướng bán hàng trực tiếp đến các đại lý, vi phạm chủ yếu của các đơn vị sản xuất là không thực hiện niêm yết giá hàng hóa theo giá đã đăng ký với Sở Tài chính. Còn cơ sở kinh doanh thì sai phạm lại nằm ở việc buôn bán hàng hóa không đúng với giá kê khai, hoặc chưa kê khai giá; đặc biệt đối với vật liệu xây dựng biến động giá hằng ngày.
Không chỉ đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, kết quả kiểm tra cũng phát hiện những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý giá. Có DN thuộc đối tượng phải kê khai giá, nhưng lại nhầm lẫn đơn vị mình là chi nhánh, không phải là công ty độc lập, không thuộc đối tượng kê khai giá với cơ quan chức năng tại địa bàn tỉnh, cũng không thông báo giá đến Sở Tài chính. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã không rà soát kỹ nên không có hướng dẫn, thông báo để DN thực hiện kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ông Trương Văn Phương cho rằng, các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lĩnh vực giá, các quy định mới theo Luật Giá, Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá nhằm làm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm bắt và thực hiện đúng. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc phân loại, thống kê cụ thể, rõ ràng, chính xác thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn để giúp việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết được thực hiện đúng theo quy định, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và công tác kiểm tra, kiểm soát.
“Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các DN kinh doanh vận tải hoạt động theo kiểu “xe dù, bến cóc”, thu cước dịch vụ vận chuyển nhưng không xuất vé hoặc không giao vé cho hành khách, nhất là dịp cao điểm” - ông Trương Văn Phương cho biết.
THU HIỀN