Vào vụ thu hoạch mía:
Người trồng sốt ruột, nhà máy bị áp lực lớn
Những ngày qua, người trồng mía trên địa bàn tỉnh đang lo lắng vì mía đến thời điểm thu hoạch nhưng việc thu mua mía rất chậm sẽ dẫn đến khô ngọn làm giảm năng suất. Trong khi đó, tuy bị áp lực lớn nhưng Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) bảo đảm sẽ bồi thường cho người trồng mía nếu thu mua không kịp làm mía giảm năng suất.
Lo mía khô cháy
Sáng 12.3, hơn 30 người dân thuộc tổ 4, thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), tập trung tại ruộng mía của bà Nguyễn Thị Thanh Thu để thu hoạch mía. Ruộng mía nhà bà Thu có diện tích 4 sào, ước thu khoảng 12 tấn mía cây, nên mọi người trong tổ cố gắng làm gọn trong ngày. “Năm nay trời hạn, nắng gắt, ruộng mía của tôi có nước tưới từ kênh dẫn về mà cũng khô ngọn, thì ở những vùng xa nguồn nước tưới lại càng khô hơn. Có mấy ruộng mía ở tổ 5 đã khô cháy cả rồi. Chặt sớm được ngày nào là tui mừng ngày đó”- bà Thu cho biết.
Ông Nguyễn Mười, ở cùng tổ với bà Thu, than thở: “Nhà tui có 10 sào mía, tui đăng ký dưới trạm thu mua xin được chặt mía cả tháng nay rồi, đi lên đi xuống nhiều lượt mà họ vẫn chưa cho chặt. Càng để lâu mía càng khô, năng suất giảm, sốt ruột quá chừng mà hổng biết làm sao. Trong khi chờ đến lượt diện tích mía mình được thu hoạch, tôi tranh thủ đi chặt mía cho người khác lấy công”.
Theo phản ánh của nhiều người trồng mía ở xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), năm nay khí hậu khắc nghiệt hơn, trời nắng gay gắt nên thời điểm này cây mía đã bắt đầu khô ngọn, cần phải được thu hoạch sớm, nhưng BISUCO thu mua lại có phần chậm hơn so với trước. Tại tổ 5 của thôn Vĩnh Quang, nơi các ruộng mía chỉ trông chờ vào nguồn nước trời, từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã xảy ra một vài trường hợp ruộng mía bị cháy nhưng chưa rõ nguyên do.
Vụ mía năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Liễu, ở tổ 3, thôn Định Thái, xã Vĩnh Quang trồng hơn 2 ha, song cho đến nay mới chỉ được phép thu hoạch 1 xe (25 tấn mía) vào dịp trước Tết Nguyên đán. Bà Liễu nói: “Đó là tui phải năn nỉ, nói gia đình cần tiền cho các con mang vào TP Hồ Chí Minh đóng học phí họ mới cho thu hoạch trước một xe. Tổ 3 của thôn có cả thảy 19 hộ trồng mía, phải bốc xăm chờ đến lượt thu hoạch. Hôm nay mới đến lượt hộ đầu tiên, nửa tháng nữa mới đến lượt tui, nhưng với tình hình thu mua kiểu này thì cũng chưa chắc gì. Ruộng mía ở gò trông vào nước trời, thấy mía khô đọt mà đắng họng. Mấy năm trước, giờ này nhà máy đã cho nhiều hộ chặt mía rồi, năm nay chẳng hiểu vì sao lại chậm thế”.
Chiều 12.3, có mặt tại cổng nhà máy của BISUCO, chúng tôi ghi nhận có khoảng gần 40 xe tải chất đầy mía đang đậu trước cổng Công ty. Một tài xế xe tải chở mía từ An Khê (Gia Lai) về đậu trước cổng nhà máy đường chờ nhập mía, cho biết: “Xe tôi chở 20 tấn mía về đậu trước Công ty được 3 ngày rồi nhưng vẫn chưa được nhập, chúng tôi rất sốt ruột muốn được nhập sớm để chạy về chở tiếp mía cho người dân đã hợp đồng từ trước”.
BISUCO nói gì?
“Chúng tôi bảo đảm không để mía của người dân bị khô cháy do thu hoạch chậm, nếu có thì Công ty sẽ bồi thường cho người trồng mía. Người dân không nên thấy nhà máy chậm thu mua mía mà quá lo lắng”
Theo BISUCO, xã Vĩnh Quang là một trong những vùng nguyên liệu mía chủ lực của nhà máy. Vụ mía 2012-2013, cả xã trồng được khoảng 65-70 ha. Cũng như các hộ trồng mía ở những nơi khác trên địa bàn tỉnh, bà con trồng mía ở Vĩnh Quang đều được BISUCO hỗ trợ vốn, giống, phân bón và cam kết thu mua mía đến thời điểm thu hoạch. Ngoài chính sách hỗ trợ ban đầu, khi đến thời điểm thu hoạch, đối với những diện tích mía trồng gần nhà máy, như ở Vĩnh Thạnh, Tây Sơn còn được hỗ trợ thêm 20.000 đồng/tấn mía, vùng xa hơn như An Nhơn được hỗ trợ 10.000 đồng/tấn mía…
Hiện BISUCO đang thu mua mía nguyên liệu với giá 900 ngàn đồng/tấn mía (10 chữ đường), mua tại ruộng. Theo kế hoạch, từ tháng 3.2013, BISUCO sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía trong tỉnh, trong đó ưu tiên thu mua mía chín ở những vùng khô hạn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, lượng mía nguyên liệu trong tỉnh được BISUCO thu mua mới chỉ chiếm khoảng 12% trên tổng số 270 ngàn tấn mía nguyên liệu (35 ngàn tấn/270 ngàn tấn).
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định về vấn đề này vào chiều 14.3, ông Phạm Ngọc Liễn, Tổng Giám đốc BISUCO, giải thích: So với cùng kỳ năm ngoái thì tiến độ thu mua mía của BISUCO hiện nay không chậm. Nguyên nhân khiến người trồng mía lo lắng và cho rằng Công ty thu mua chậm là do thời tiết năm nay nắng gay gắt, làm mía khô nhanh hơn, mất năng suất. Do vậy, ai cũng nôn nóng, mong được thu hoạch sớm hơn. Ngoài ra, hiện nay giá đường trên thị trường đang xuống rất thấp, người trồng mía lo sợ nhà máy sẽ giảm giá mua mía nên đang tạo áp lực rất lớn cho BISUCO. Cũng theo ông Phạm Ngọc Liễn, hiện nay ở Gia Lai, Kon Tum đang nắng nóng gay gắt hơn, và nông dân ở đây đã đồng loạt chặt mía, buộc nhà máy phải thu mua. Do lượng mía cùng một lúc đổ dồn về nhà máy, nên dù nhà máy đã chạy tối đa công suất 3.000 tấn mía/ngày vẫn không thể giải tỏa hết lượng mía bị ứ đọng.
“Dù giá đường đang giảm mạnh nhưng BISUCO vẫn áp dụng giá mua mía mức 900 ngàn đồng/tấn và giữ giá đến hết vụ. Đối với những diện tích mía thu hoạch chậm so với kế hoạch, BISUCO sẽ có chính sách hỗ trợ thêm để bù vào việc thiếu hụt năng suất. Chúng tôi bảo đảm không để mía của người dân bị khô cháy do thu hoạch chậm, nếu có thì Công ty sẽ bồi thường cho người trồng mía. Người dân không nên thấy nhà máy chậm thu mua mía mà quá lo lắng” - ông Phạm Ngọc Liễn khẳng định.