Mối giao cảm giữa Xuân Diệu với Đào Tấn
Sinh ra trên đất Tuồng, có lẽ vì thế mà nhà thơ Xuân Diệu có cách cảm nhận, cách hòa điệu khá riêng khi dịch thơ chữ Hán của Hậu tổ tuồng Ðào Tấn.
Trong quyển “Đào Tấn – Thơ và từ” do NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2002, tính ra Xuân Diệu đã dịch khá sống động, mượt mà khoảng 50 bài thơ của Đào Tấn, điển hình như “Thu tịch” (Đêm thu), “Ngẫu tác” (Hứng viết), “Giang trung vũ” (Mưa trên sông).
Khi cộng tác với một số nhà nghiên cứu về Tuồng như Vũ Ngọc Liễn, Mịch Quang để dịch thơ Đào Tấn, Xuân Diệu cũng phóng khoáng, tài hoa như lúc làm chung với nhà thơ Yến Lan, trường hợp này có thể kể đến: “Hữu sở tư” (Có điều suy nghĩ), “Thất tịch” (Mồng bảy tháng bảy), “Kiến nguyệt châu trung tác” (Viết khi thấy trăng ở trong thuyền), “Hỷ vũ” (Mừng mưa) và “Lâm giang tiên” (Điệu lâm giang tiên).
Đặc biệt Xuân Diệu đã thể hiện được sự đồng điệu sâu sắc với Đào Tấn khi dịch bài thơ “Trùng du Lam Sơn tuyệt cú”. Bài thơ này được nhà thơ họ Đào của đất Bình Định viết và đề trên miếu vua Lê Thái Tổ khi đến thăm đất Lam Kinh: “Anh hùng can đảm uất phong lôi/Tứ cố thương mang diệc tráng tai/Cấp vũ xao đầu vân tắc nhĩ/Lãng hoa quyển xuất nhất chu lai”. Nhà thơ Xuân Diệu đã dịch rất hay bài thơ này: “Gan mật anh hùng mang gió sấm/Mênh mang bốn phía cảnh hùng sao!/Trên đầu mưa gấp, tai mây lấp/ Hiện lá thuyền trên hoa sóng xao”.
Với bài thơ trên, cuộc đời và sự nghiệp anh hùng, lẫy lừng nhưng cũng thật là nên thơ, lãng mạn của vua Lê được khắc họa và tô vẽ thật đẹp. Giữa những sự vật mạnh mẽ như gan mật, gió sấm, cảnh hùng, mưa gấp, mây lấp bỗng hiện lên một lá thuyền xao động trên sóng nước như hoa.
Một điều đặc biệt nữa là mối giao cảm, sự gần gũi, thấu hiểu của hai con người cách nhau 70 năm tuổi đời ấy còn kéo dài đến tận những phút cuối đời của nhà thơ Xuân Diệu, khi ông viết những dòng cuối cùng cho công trình nghiên cứu này về Đào Tấn trước khi trút hơi thở về với đất mẹ 11 ngày.
Nếu Bình Định tự hào là quê hương của Hậu tổ tuồng Đào Tấn thì cũng vô cùng hãnh diện khi chính mảnh đất này có một nhà thơ với những áng thơ tình bất hủ như Xuân Diệu. Năm 1995, UBND tỉnh còn lấy tên ông ghép cùng tên danh nhân văn hóa Đào Tấn làm thành giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu, dành cho những người có thành tích xuất sắc trong tham gia sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Giải thưởng này đã góp phần động viên, khích lệ và là mục tiêu để các văn nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn không ngừng phấn đấu…
NGUYỄN THỊ THU HẰNG