Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật:
Cần cụ thể, phù hợp từng nhóm đối tượng
Ðây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2016, do UBND tỉnh vừa tổ chức.
Sân khấu hóa và hỏi - đáp là những hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả.
Xác định đúng, tuyên truyền trúng
Khẳng định tầm quan trọng của việc xác định đúng đối tượng tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Hiếu, công chức tư pháp, hộ tịch xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước nói: “Có xác định đúng đối tượng thì mới xác định được nội dung, hình thức và thời điểm tuyên truyền pháp luật phù hợp. Hình thức tuyên truyền cũng phải tạo cho đối tượng tham gia có sự tò mò muốn đến dự xem, khi đến dự thì tạo cho họ khí thế hào hứng, từ đó họ sẽ tích cực tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật khác và mời gọi nhiều người khác cùng tham gia trong những lần sau!”.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong phối hợp tổ chức PBGDPL tại địa phương mình. Ví như với đối tượng tuyên truyền là hội viên phụ nữ và hội viên nông dân, thường có độ tuổi từ 35-55, thì nên chọn hình thức trò chơi, sân khấu hóa có kết hợp chương trình ca nhạc. Với đối tượng là nông dân lao động thì hình thức diễn đàn “pháp luật và đời sống” là phù hợp, vì không hạn chế số lượng người tham gia. Khi đó, người tham gia lần lượt đặt những câu hỏi, vướng mắc pháp luật từ cuộc sống, các luật sư sẽ tư vấn, trả lời, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Với đối tượng là học sinh thì nên chọn hình thức nói chuyện chuyên đề pháp luật có kèm theo hình ảnh trực quan để minh họa cho nội dung tuyên truyền, tạo sự hấp dẫn, hứng thú và dễ tiếp thu.
Phiên tòa xét xử lưu động cũng là một hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả mà thời gian qua, TAND các cấp đã thực hiện khá nhiều. Ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Những vụ án đưa ra xét xử lưu động đều được lựa chọn kỹ, đánh giá mức độ tác động của nó đối với dư luận xã hội, trước khi xét xử lưu động phải có sự chuẩn bị chu đáo; HĐXX chỉ nên đặt những câu hỏi để làm rõ mức độ phạm tội của bị cáo, những hậu quả về vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra và những tác động khác cho xã hội”.
Với sự chuẩn bị này nên tại những phiên xử lưu động, người dân đến tham dự rất đông. Trong năm 2015, TAND các cấp trong tỉnh đã tổ chức 40 phiên tòa lưu động thu hút trên 3.000 lượt người tham dự. Những phiên tòa này đã góp phần răn đe, ngăn ngừa hành vi phạm tội mới manh nha, giáo dục, trang bị kiến thức pháp luật cho mọi người.
Đa dạng và đổi mới hình thức
Nhờ xác định rõ kế hoạch, mục tiêu của công tác phối hợp PBGDPL, cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở nên công tác PBGDPL dần đi vào chiều sâu. Khi nội dung PBGDPL sát hơn với nhu cầu thực tế của người dân, hình thức PBGDPL đa dạng, việc phổ biến sẽ giúp mọi người chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức 350 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật thu hút hơn 150 ngàn lượt người tham dự; tổ chức trợ giúp pháp lý trên 2.500 vụ việc. Ngoài ra, 408 CLB pháp luật, trong đó có 69 CLB trợ giúp pháp lý, 59 CLB phụ nữ với pháp luật, 86 CLB tuổi trẻ với pháp luật và 159 CLB thanh niên với pháp luật..., cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân thông qua những buổi sinh hoạt.
Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, cho biết: “Để công tác PBGDPL tiếp tục đạt hiệu quả cao, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh sẽ chủ động lên kế hoạch và khuyến khích cơ sở tiếp tục đa dạng hình thức PBGDPL theo hướng đổi mới hình thức, chủ động áp dụng các mô hình mới, gắn với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên cấp xã để có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này. Vì đây là lực lượng làm cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống người dân”.
KIỀU ANH