Xuân Diệu - hồn thơ mới gắn với hồn dân tộc
Để hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu, để thêm một lần khẳng định vai trò của nhà thơ đối với văn hóa dân tộc, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (1916 - 2016), Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Hội đồng hương Bình Định đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Xuân Diệu với văn hóa dân tộc".
Nhà thơ Xuân Diệu
Nói về sự cống hiến của Xuân Diệu với sự nghiệp văn hóa dân tộc nước nhà, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: Xuân Diệu là một tài năng đặc biệt của miền đất địa linh nhân kiệt Bình Định. Thơ Xuân Diệu như một biên niên sử về xã hội, văn hóa dân tộc, lịch sử, con người Việt Nam từ thủa còn nô lệ đến ngày độc lập tự do và tiến lên xã hội chủ nghĩa. 15 tập thơ, 5 tập tiểu luận và văn xuôi của Xuân Diệu đã được NXB Văn học tập hợp in thành 6 tập, gồm 6.000 trang sách là một di sản, đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc nước nhà.
Cũng theo GS Hoàng Chương, có gần Xuân Diệu, có được nghe ông nói và có đọc kỹ thơ của ông mới thấy tâm hồn của ông là tâm hồn dân tộc, thi pháp thơ của ông là thi pháp thơ dân gian, dân tộc và luôn gắn kết với văn hóa dân tộc.
Theo nhạc sỹ Mai Tuyết Hoa, nhiều người vẫn chỉ nghĩ rằng Xuân Diệu là nhà thơ tình, nhà thơ mới, nhưng càng đọc, càng nghe nhiều thơ ông, sẽ càng thấy rõ về một thi sỹ toàn diện, một người mang tâm hồn dân tộc, cả cuộc đời gắn kết với văn hóa dân tộc, và đặc biệt ông rất thích âm nhạc dân tộc. Không chỉ giỏi về thơ, ca, nhà thơ Xuân Diệu còn là người rất yêu và am hiểu sâu sắc về những loại hình nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật hát tuồng, hát bài chòi, hát ca trù, xẩm, chầu văn...
Trong công trình tiểu luận về Á Nam Trần Tuấn Khải, Xuân Diệu đã có những nhận xét rất hay về âm nhạc dân tộc. Ông ví xẩm như một câu hát vặt lấy lục bát làm cơ sở, nhưng điệu hát xẩm thì nhanh nhẹn, đon đả, chỉ đệm thêm một số ít tiếng chữ vào câu sáu, tám, còn câu hát vặt thì ngâm nga theo điệu sa mạc…
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, là người nặng lòng với văn hóa dân tộc, nhà thơ Xuân Diệu đã có bài phê bình nghiên cứu tuyệt hay về ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ. Bài viết có tên “Sống với ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ” viết năm 1963. Trong bài viết này, Xuân Diệu đã kể chuyện “tôi với em tôi chen chúc nghe hô bài chòi ngày Tết ở chợ làng Văn Quang. Làng nhỏ, chợ nhỏ, đồng bào rất hiền lành, anh hô bài chòi cũng hiền”. Rồi ông viết về chuyện đêm nằm đò dọc từ Vạn Gò Bồi xuống Giã (Quy Nhơn) nghe “gió nhẹ hiu hiu phần phật trên buồm” và “sóng nhỏ nghìn đập canh cánh dưới thân thuyền” - đó là chuyện về tục hát giã gạo ở Vạn Gò Bồi với những đợt hát kéo dài suốt mấy tháng liền.
Xuân Diệu viết “ca dao dân ca Nam Trung Bộ, Bình Định đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất, nơi má đẻ ra mình”. Ông Khoa đánh giá, cho đến nay, bài viết này vẫn là bài viết công phu nhất, toàn diện nhất, sâu sắc và giàu cảm xúc nhất về ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ và Bình Định, bởi với Xuân Diệu, đây là “một thứ máu của Tổ quốc”.
Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng cho rằng, không chỉ là nhà thơ mới, là ông hoàng thơ tình, mà Xuân Diệu còn là nhà thơ nhiệt thành làm thơ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Các tập thơ ông viết trong kháng chiến như “Mẹ con” năm 1953, “Ngôi sao” năm 1954 rồi đến “Riêng chung” năm 1960 đã đánh dấu sự đổi thay trong thơ ông.
Theo nhà thơ Mai Nam Thắng, từ một nhà thơ trữ tình bậc nhất trong phong trào thơ mới, Xuân Diệu đã nhập thế một cách hăng hái nhiệt tình, trở thành một tác giả thơ ca cách mạng. Theo nhà thơ Mai Nam Thắng, bên cạnh khối lượng thơ đáng kể, Xuân Diệu còn để lại một di sản văn xuôi khá lớn, chủ yếu ở phê bình văn học…
Mơ về một khu tưởng niệm
Theo NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Giám đốc nhà hát Tuồng Đào Tấn, công lao, sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu là vô cùng to lớn. Ông đã mang ngọn gió rạo rực, đắm say, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương về con người, cuộc đời, đất nước, nhân thế bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị đến thơ ca. Thơ văn Xuân Diệu có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển văn chương dân tộc, là mạch nguồn cảm hứng cho văn học - nghệ thuật, trong đó có cả các hoạt động phổ nhạc, viết kịch…
Tên ông, ngoài việc được đặt cho một số trường học, đường phố, trong đó có con đường biển đẹp nhất TP Quy Nhơn, đặt tên cho nhà văn hóa, cho câu lạc bộ văn học… năm 1995, còn được UBND tỉnh Bình Định ghép cùng tên danh nhân văn hóa Đào Tấn làm thành giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu, một giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý dành cho những người tham gia sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật ở Bình Định. Hơn 20 năm năm tồn tại, giải thưởng đã góp phần khích lệ, động viên và là mục tiêu để các văn nghệ sỹ phấn đấu.
Trong phát biểu của mình, GS Hoàng Chương bày tỏ sự mong muốn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan văn hóa về việc chung tay xây dựng một khu tưởng niệm Xuân Diệu, để nơi đây trở thành một điểm đến của những người yêu thơ trong và ngoài nước.
Trong khu tưởng niệm này, ngoài những hiện vật sinh động, phong phú và nhiều ý nghĩa về cuộc đời một nhà thơ nổi tiếng, du khách có thể được nghe kể chuyện về cuộc đời của một ông vua thơ tình. Đồng thời nghệ thuật hóa, sân khấu hóa thơ ông để người xem đến đây có thể được đọc thơ, nghe thơ và xem biểu diễn thơ Xuân Diệu qua nhiều loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại…
Tương lai, có thể tổ chức cả chuỗi sự kiện, tour du lịch văn hóa ở Bình Định, bắt đầu từ Bảo tàng Quang Trung nối liền đến Đàn tế trời đất trên đỉnh Ấn Sơn, qua tháp Chăm cổ kính, đến quê hương hát bội của Đào Tấn, di tích nước Mặn - chữ quốc ngữ, nhà bảo tàng Xuân Diệu, đồi thi nhân Hàn Mặc Tử… GS Hoàng Chương cho rằng, tour du lịch theo lịch trình này chắc chắn sẽ là một lộ trình thu hút nhiều du khách tham gia.
Theo Lan Lộc (báo Tin tức)