Giá lúa ở ĐBSCL tăng cao
Chiều 26.3, nông dân tại Thốt Nốt, Cở Đỏ (TP Cần Thơ) bán lúa tại nhà cho thương lái với giá 6.200 - 6.300 đồng/kg.
Mức giá này cao hơn 1.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 2 và cao hơn đến 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 1-2016. Đây là mức giá cao nhất từ đầu vụ tới nay. Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.500 - 5.600 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.700 - 5.800 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.950 - 8.050 đồng/kg.
Giá lúa gạo tăng mạnh làm nông dân vui, với hy vọng bù đắp phần nào do hạn, mặn gây ra. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng, vì họ đã ký hợp đồng xuất khẩu sớm khi giá lúa còn thấp, nay phải thu mua nguyên liệu để thực hiện với giá khá cao. Có doanh nghiệp so sánh: Hiện gạo 5% tấm ở Việt Nam giá 380-390 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ 360 USD/tấn nên khó bán cho thị trường thế giới. Thậm chí, một vài doanh nghiệp còn mong chính quyền góp phần tuyên truyền nông dân bán lúa. Vì hạn, mặn có gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn hécta lúa nhưng không đến mức thiếu nguồn cung.
Có nhiều cách lý giải khác nhau về sự tăng giá đột biến của lúa gạo tại ĐBSCL trong 2 tuần qua, trong đó có yếu tố thuận lợi xuất khẩu gạo tăng trong 3 tháng đầu năm, một số nơi bị thiệt hại do hạn, mặn… Nhưng cũng có người cho rằng, tình trạng đầu cơ cục bộ cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn lúa, gạo trên thị trường. Hiện ĐBSCL đã vào giai đoạn thu hoạch cuối vụ, lúa hàng hóa còn không nhiều trong dân, nhưng thương lái lúa vẫn bủa ra khắp nơi để thu mua. Điều này cho thấy thị trường giao dịch lúa, gạo ở ĐBSCL đã chuyển biến theo hướng có lợi cho nông dân, trong bối cảnh hạn, mặn gây thiệt hại gần 10% diện tích lúa đông xuân (160.000ha/1,6 triệu ha). Và theo dự báo, diện tích lúa hè thu năm nay sẽ giảm do ảnh hưởng của hạn, mặn.
Theo Cao Phong (SGGP)