Xây dựng nông thôn mới ở Cát Thành: Còn nhiều cái khó
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Cát Thành (huyện Phù Cát) đã đạt được 14 tiêu chí. Hiện Ðảng bộ và nhân dân Cát Thành quyết tâm đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu về đích vào năm 2019, song “đường đi” vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Một con đường được đúc bê tông khang trang ở Cát Thành.
Xã Cát Thành là một xã vùng sâu, vùng xa, người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp. 5 năm qua, xã đã huy động từ nhiều nguồn được hơn 15,3 tỉ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn và các công trình dân sinh thiết yếu.
Cùng với tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, xã đã chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với các tiềm năng thế mạnh của địa phương, như chăn nuôi, trồng trọt; trồng rừng kinh tế, chăn nuôi heo theo mô hình sinh học, nuôi bò lai sinh sản, góp phần cho tăng trưởng kinh tế của xã đạt 12,7% (năm 2015), thu nhập bình quân đầu người đạt 27,2 triệu đồng/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, xã đẩy mạnh phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh, xây dựng các thiết chế văn hóa ở vùng nông thôn gắn với nâng cao dân chủ cơ sở; tích cực thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững chắc.
Đến nay, diện mạo nông thôn Cát Thành đang đổi thay đáng kể, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, với một xã nghèo như Cát Thành, hoàn thành lộ trình đúng thời gian vẫn là một bài toán nan giải. Qua trao đổi với ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, chúng tôi được biết hiện tại lộ trình XDNTM của địa phương đang trong quá trình “leo dốc” với quá nhiều “chướng ngại vật” khó vượt qua, với 5 tiêu chí còn lại (giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, hộ nghèo); trong đó nan giải nhất là tiêu chí thủy lợi. “Tiêu chí này rất khó nếu không muốn nói là gần như không thể đạt nếu không có nguồn hỗ trợ của cấp trên” - ông Bé chia sẻ.
Nhờ sự hỗ trợ của cấp trên đã nâng cấp được hồ chứa nước Chánh Hùng, còn một số công trình thủy lợi nữa chưa triển khai được vì không có vốn, như đập dâng Chánh Hóa, trạm bơm nước Đèo Nhỏ, kênh mương nội đồng… Điều này cũng đồng nghĩa với việc để hoàn thành tiêu chí thủy lợi, xã phải xây dựng xong các hạng mục trên. Có lẽ không riêng gì Cát Thành, mà bất cứ xã nghèo nào cũng sẽ khó lòng thực hiện được.
Tiêu chí trường học cũng được đánh giá là một “cửa ải” khó đối với Cát Thành. Hiện tại, trên địa bàn xã có 1 trường THCS, 1 trường tiểu học, 1 trường mầm non trung tâm, nhưng tất cả đều chưa đạt chuẩn do đa phần được xây dựng đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống phòng chức năng còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Tiêu chí hộ nghèo (còn 15,25%) cũng là vấn đề nan giải với địa phương. Cái khó nhất để thực hiện tiêu chí này chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp chiếm 62%. Thêm vào đó, các lĩnh vực kinh tế khác chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế; nên việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện “một sớm một chiều”.
Kinh tế chậm phát triển, xã Cát Thành gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ phía người dân. Đây chính là rào cản đáng ngại trên lộ trình XDNTM của địa phương. Theo đề án XDNTM của xã, tổng nhu cầu vốn hiện tại để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hoàn thành các tiêu chí NTM khoảng trên 25 tỉ đồng. Để giải quyết được vấn đề vốn, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã cần có kế hoạch, giải pháp hợp lý, nhằm thu hút vốn đầu tư, tài trợ từ nhiều phía; có như vậy mới có thể về đích đúng lộ trình đề ra.
THẾ HÀ