Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Có chuyển biến nhưng hạn chế còn nhiều
Sáng 28.3, tại TP Quy Nhơn, Ban chỉ đạo (BCĐ) Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”(TDĐKXDĐSVH) tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. Qua đó, đã cho thấy phong trào tại các địa phương bên cạnh những mặt phát triển, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục.
Số lượng đạt danh hiệu tăng
Ở huyện Tuy Phước, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) trong năm qua tiếp tục được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tham gia. Năm 2015, toàn huyện có 44.744 hộ được công nhận GĐVH (95,6%). Phong trào xây dựng thôn văn hóa cũng có những chuyển biến tích cực với 101/101 thôn trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng thôn văn hóa năm 2015. Qua phúc tra cuối năm, kết quả có 6 khu dân cư được công nhận thôn văn hóa, 7 thôn văn hóa giữ vững phong trào 3 năm liền được công nhận lại, 39 thôn được bảo lưu danh hiệu văn hóa (51,4%).
Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.
Chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Tây Sơn năm 2015 đã được nâng lên. Hiện có 94,9% số hộ trên địa bàn huyện đạt GĐVH (tăng 4,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết của huyện), trong đó có đến 27,9% hộ xếp loại xuất sắc; 107/109 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa, kết quả được công nhận 105 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa (96,3%)...
Ở các huyện miền núi, phong trào TDĐKXDĐSVH cũng có những chuyển biến đáng ghi nhận. Năm 2015, huyện Vân Canh có số lượng công nhận danh hiệu văn hóa tăng, với 7.265 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH được cơ sở bình xét xếp loại từ trung bình trở lên (99,2%). Hiện có 37/48 thôn, làng văn hóa trên địa bàn huyện (77%); 39/56 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa (69,6%).
Trong năm qua, huyện An Lão có 6452/7.178 hộ gia đình được công nhận GĐVH, đạt 89,8%; 42/57 thôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm 73,6%; có 49/58 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa xuất sắc, chiếm 84,4%; 26/29 trường học đạt danh hiệu trường học đạt chuẩn văn hóa xuất sắc, chiếm 89,6%; 6/10 trụ sở hành chính xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa xuất sắc, chiếm 60%. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện tiếp tục được triển khai và thực hiện sâu rộng, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2015 cũng là năm mà huyện có GĐVH; khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa xuất sắc cao nhất từ trước đến nay”.
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Tại Hội nghị sơ kết phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, nhiều hạn chế, tồn tại tiếp tục được nêu ra. Như ở huyện Tây Sơn, dù số lượng gia đình, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa tăng, nhưng UBND huyện đã thẳng thắn nhìn nhận, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm, tích cực chỉ đạo thường xuyên; phong trào phát triển chưa đều, chưa đi vào chiều sâu, có hiện tượng chạy theo hình thức, số lượng, nhất là chưa bám sát các tiêu chí để bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa...
Tại huyện An Lão, hoạt động của BCĐ, ban vận động phong trào ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên. Sự tham gia thực hiện phong trào của các tầng lớp nhân dân nhất là ở cơ sở chưa đồng đều, chưa có tính tự giác hoàn toàn, còn chậm ở một bộ phận nhân dân, vai trò của ban vận động ở thôn chưa được phát huy triệt để.
BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2016: Xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Triển khai Quyết định số 2478 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án truyền thông về phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tổ chức kiểm tra thể thức hoạt động, tình hình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh...
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhấn mạnh: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, hằng năm cần thực hiện tốt việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa một cách dân chủ, công khai. Khơi dậy, phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức trong quá trình chung tay xây dựng các danh hiệu văn hóa. Hướng chung nhất là từ hình thức vận động thực hiện từng bước chuyển dần sang tự giác thực hiện. Đảm bảo kinh phí hoạt động cho BCĐ phong trào ở huyện, xã, thị trấn và ban vận động các thôn”.
Nhiều địa phương đã thống nhất cần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra-giám sát” để phong trào thật sự “của dân và vì dân”. UBND tỉnh cần chủ trì, chỉ đạo Sở Tài chính, Sở VH-TT&DL, Sở Nội vụ có văn bản chỉ đạo thống nhất về bố trí nhân sự, kinh phí hoạt động của Văn phòng thường trực BCĐ phong trào cấp huyện theo văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Ủy viên Thường trực BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, BCĐ tỉnh sẽ xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên BCĐ các cấp, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất; đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của BCĐ các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện phong trào”.
HOÀI THU