Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi: Chủ động phòng, chống hạn vụ Hè Thu
Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch lúa Đông Xuân (ĐX) và tranh thủ xuống giống vụ Hè Thu (HT). Trước nguy cơ xảy ra hạn hán được dự báo sẽ rất khốc liệt, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định đã chủ động triển khai các phương án cung cấp nước tưới hợp lý, khoanh vùng các diện tích thiếu nước để thông báo cho nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp hoặc tạm ngừng sản xuất để hạn chế thiệt hại.
Nguy cơ hạn hán trên diện rộng
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết: Hiện 15 hồ chứa nước do đơn vị quản lý đang tích 316 triệu m3/458 triệu m3, chiếm 69% dung tích thiết kế. Tuy lượng nước dự trữ còn ở mức khá, nhưng theo dự báo với tình hình nắng nóng kéo dài trong vụ HT, mực nước tại các hồ chứa sẽ xuống nhanh, gây nguy cơ thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Thi công một tuyến kênh mới trên địa bàn xã Cát Tường (Phù Cát). Ảnh: N.HÂN
Hiện nay, hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn) còn 52,2 triệu/110 triệu m3; hồ Hội Sơn (Phù Cát) còn 23 triệu/44,5 triệu m3; hồ Vạn Hội (Hoài Ân) 9,9 triệu/14,5 triệu m3; hồ Thuận Ninh (Tây Sơn) 19,7 triệu/35,36 triệu m3; hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh) 193 triệu/226 triệu m3; hồ Suối Tre (Phù Cát) 2,34 triệu/4,93 triệu m3; hồ Hòn Lập (Vĩnh Thạnh) 1,9 triệu/3,13 triệu m3. Đáng chú ý là hồ Hà Nhe (Vĩnh Thạnh) có dung tích 3,76 triệu m3 và hồ Tà Niêng (Vĩnh Thạnh) có dung tích 0,65 triệu m3 hiện đã khô kiệt đến mực nước chết, không còn khả năng tưới. Do vậy, trong vụ HT, toàn bộ diện tích trên 141 ha lúa và hoa màu của xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Thuận được ngành chức năng khuyến cáo ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.
Theo Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, căn cứ lượng nước còn lại tại các hồ chứa do đơn vị quản lý, trong vụ HT 2016, Công ty có kế hoạch cung cấp nước cho 28.281 ha/40.750 ha lúa toàn tỉnh, chiếm 69% diện tích. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu công ty có kế hoạch cân đối nguồn nước hợp lý để đảm bảo cung ứng đủ cho gần 4.000 ha bắp, 1.800 ha đậu phụng, 1.900 ha mè và hàng ngàn hecta rau màu các loại; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt cho người và gia súc ở các xã khu đông Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ…
Chủ động chống hạn ngay từ đầu vụ
Trước nguy cơ sẽ xảy ra hạn hán gay gắt trong vụ HT, vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, chính quyền các địa phương triển khai chặt chẽ các phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn trong vụ HT. Có phương án cung cấp nước tưới hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Ngành nông nghiệp và các địa phương cần bàn kỹ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Ở những vùng có nguồn nước tưới dồi dào, địa phương cần hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh để đạt năng suất cao, bù lại ở những vùng mất năng suất do hạn và những vùng không sản xuất được, nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, để việc cấp nước cho sản xuất vụ HT hiệu quả, hiện nay, bên cạnh điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định phối hợp với Sở NN&PTNT, chính quyền các địa phương, các HTXNN lập kế hoạch tưới cụ thể theo từng hệ thống kênh mương. Tập trung ưu tiên đưa nguồn nước tưới về phục vụ cho các vùng ven biển để chống tình trạng xâm nhập mặn và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản. Tiến hành khoanh vùng tưới ở những diện tích đảm bảo nguồn nước tưới, khuyến cáo nông dân chuyển đổi những diện tích lúa thiếu nước sang trồng cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, mè, rau màu các loại…
“Trong vụ HT năm nay, nhờ hệ thống kênh chính Văn Phong đã được thi công hoàn thành nên việc đưa nước từ hồ Định Bình qua đập dâng Văn Phong đảm bảo tưới cho trên 1.500 ha lúa trên địa bàn các xã: Cát Tài, Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Minh, Cát Tường… Nhờ hệ thống kênh tưới Văn Phong đã giảm áp lực tưới cho hồ chứa nước Hội Sơn (xã Cát Sơn - Phù Cát). Vụ HT, Công ty đã chuyển toàn bộ lượng nước đang tích được tại hồ Hội Sơn để cung cấp cho hệ thống kênh La Tinh nhằm chống hạn cho trên 1.600 ha lúa của các xã phía Nam huyện Phù Mỹ” - ông Phú cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đã thành lập Hội đồng phân phối nước và kiện toàn lại các tổ thủy nông nhằm thực hiện việc phân phối nguồn nước tưới hợp lý, tổ chức thực hiện nghiêm lịch tưới luân phiên ngay từ đầu vụ; nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm như ướt - khô xen kẽ, tưới ẩm tại các địa phương trong tỉnh. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí của Trung ương, đơn vị sẽ đầu tư 18 tỉ đồng để nâng cấp các hệ thống kênh mương thủy lợi, trang bị các máy bơm nước, hỗ trợ nhiên liệu để chống hạn trong vụ sản xuất HT. Trong đó, ưu tiên đầu tư bê tông hóa các tuyến kênh quan trọng để tiết kiệm nguồn nước tưới như: hệ thống kênh Bờ Máng thuộc hệ thống tưới Thạch Đề (thị xã An Nhơn); kiên cố tuyến kênh N8 hệ thống tưới Thạnh Hòa; kiên cố kênh phía Nam Gò Đậu thuộc hệ thống tưới Tháp Mão (Tuy Phước); kiên cố hệ thống kênh tưới Suối Tre (Phù Cát)...
NGUYỄN HÂN