Để nước mắm Đề Gi vươn xa
Ngày 25.3.2016, UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống của tỉnh theo tiêu chí mới đối với làng nghề nước mắm Đề Gi. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của nước mắm Đề Gi.
“Đi đâu cũng nhớ”
90 tuổi, ngót 75 năm gắn với mùi vị đậm đà của nước mắm Đề Gi, bà Nguyễn Thị Ơi (ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh) bảo mình học nghề từ mẹ, giờ thì truyền cho con, cháu. Bà Ơi cho biết, nước mắm Đề Gi từ xưa đến giờ vẫn giữ được hương vị truyền thống. Điều làm nên sự khác biệt của sản phẩm là nhờ ở vị muối đặc trưng của biển Đề Gi, quyện với nguyên liệu cá tươi, được chế biến bằng những bí quyết riêng của người dân nơi đây. Hôm xã tổ chức đón danh hiệu làng nghề truyền thống nước mắm Đề Gi, bà thay con dâu đi dự. “Vui lắm, chờ bao nhiêu năm rồi, nay mới được chứng kiến giây phút trọng đại này của làng nghề!” - bà chia sẻ.
Làng nghề nước mắm Đề Gi được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống của tỉnh theo tiêu chí mới.
Ông Bùi Quang Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cũng cho rằng nước mắm Đề Gi có được “chất riêng” rất đặc biệt, không phải nơi nào cũng có. “Nước mắm Đề Gi ai đã dùng một lần thì không thể quên được. Nói thật, mấy chục năm nay tôi vẫn ghiền cái vị của nước mắm Đề Gi, đi đâu cũng nhớ. Những người con Đề Gi dù đi đâu xa, cũng nhắn ở nhà gửi cho nước mắm Đề Gi” - ông Phương tâm sự.
Còn theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, nước mắm Đề Gi có từ lâu đời. Ban đầu sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ cho gia đình, sau đó nghề làm nước mắm được nhân rộng và phổ biến với hầu hết hộ dân sống ven đầm và biển Đề Gi. Đến nay, ở xã Cát Khánh có gần 300 hộ làm nghề sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu ở hai thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Sản phẩm có nhiều chủng loại và độ đạm khác nhau, được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh.
“Nhiều năm qua, nghề làm nước mắm đã tạo điều kiện cho nhiều lao động ở địa phương, nhất là lao động nữ ở các thôn ven biển có việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần vào sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của xã” - ông Tiến nhận định.
Cần thêm “sức bật”
Tin làng nghề nước mắm Đề Gi được công nhận danh hiệu theo tiêu chí mới là niềm vui với chính quyền và tất thảy người dân trong xã. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui và danh hiệu ấy là những trăn trở.
Ông Đinh Thành Tiến thừa nhận cái tên nước mắm Đề Gi thơm ngon là vậy, cũng đã đi xa, đến nhiều nơi trong cả nước này rồi. Nhưng, nghề làm nước mắm ở đây lại khó phát triển. Số hộ làm nước mắm chuyên nghiệp tại xã để kinh doanh không nhiều. Thêm vào đó, mặt bằng sản xuất quá chật hẹp, nhà cửa chen chúc san sát nhau, mật độ dân cư đông đúc không khác gì thành phố, người dân tận dụng mọi khoảng trống trong nhà để làm nước mắm, dẫn đến sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Nước mắm Đề Gi có nhiều chủng loại và độ đạm khác nhau, được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh.
Chị Võ Thị Minh Thu, người làm nghề ở thôn An Quang Đông thì cho rằng, khó khăn nằm ở chỗ người sản xuất thiếu vốn, mà đầu ra sản phẩm cũng không được ổn định. Nước mắm Đề Gi đến nay vẫn chưa có thương hiệu nên khó tiếp cận thị trường, chủ yếu bán nhỏ lẻ cho người tiêu dùng và làm quà là chính. “Nhà tôi gần chục anh chị em đều làm nghề nước mắm. Có người vào hẳn Bà Rịa - Vũng Tàu để mở đại lý tiêu thụ, được người tiêu dùng tin dùng nhưng cũng chỉ là hình thức người quen ăn thì quen mua, chứ khó cạnh tranh lắm” - chị Thu nói.
Để góp phần khắc phục những khó khăn đó, ông Đinh Thành Tiến cho biết chính quyền xã và các ngành liên quan sẽ nghiên cứu các chính sách và cơ chế hỗ trợ người dân làng nghề, như tổ chức các lớp đào tạo, làm cầu nối để người dân tiếp cận với vốn vay ngân hàng mở rộng sản xuất; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi sản phẩm làng nghề. Xã cũng đã có kế hoạch quy hoạch khu đất đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nước mắm để quảng bá sản phẩm.
Ông Bùi Quang Phương cho rằng, sau khi được công nhận làng nghề, vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để thương hiệu nước mắm Đề Gi được giữ vững, giữ mãi. Ông nhấn mạnh: “Trong sản xuất cố gắng đổi mới quy trình công nghệ, nhưng phải giữ được chất lượng của nước mắm Đề Gi, không chạy theo lợi nhuận để quên đi chất lượng. Khi đó, không khác gì chúng ta tự “trói tay, trói chân”, tự làm mai một làng nghề truyền thống của mình”.
Cùng với việc được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, đến thời điểm này, hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Đề Gi” của xã Cát Khánh đã được UBND huyện Phù Cát phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghệ thông tin Bình Định (Sở KH&CN) gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).
Để thương hiệu nước mắm Đề Gi đi xa hơn, UBND huyện Phù Cát đã chuẩn bị các điểm làm nơi giới thiệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm. Chợ Phù Cát cũng đang trong quá trình hoàn thành cải tạo, nâng cấp, ông Phương đề nghị UBND xã Cát Khánh làm việc với Ban Quản lý chợ để thiết kế gian hàng giới thiệu và tiêu thụ nước mắm Đề Gi tại đây.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, làng nghề nước mắm Đề Gi là 1 trong 2 làng nghề đầu tiên của tỉnh được công nhận theo tiêu chí mới, bà con làng nghề cần liên kết hợp tác với nhau để cùng phát triển. Trong quá trình sản xuất chế biến, cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, cùng với cạnh tranh về giá cả.
“Sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND huyện Phù Cát làm tiếp một bước nữa là bổ sung làng nghề nước mắm Đề Gi vào quy hoạch phát triển làng nghề của tỉnh trong thời gian đến, tạo điều kiện cho làng nghề được phát triển toàn diện. Về phía Sở Công Thương, chúng tôi sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến phát triển làng nghề, như đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại” - ông Hưng cho hay.
THU HIỀN