Quốc hội chia sẻ trách nhiệm thế nào về những tồn tại của đất nước?
Đại biểu Trần Du lịch đặt câu hỏi: Trách nhiệm của Quốc hội trong việc chia sẻ những vấn đề đang tồn tại của đất nước như thế nào?
“Với cử tri đây là trách nhiệm của Quốc hội”
Đánh giá về nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Đại biểu Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TPHCM khái quát thành 4 chữ Hơn: Đổi mới mạnh mẽ hơn; dân chủ hơn trong thảo luận và ra quyết sách; trách nhiệm hơn với cử tri trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm Quốc hội và được cử tri tín nhiệm nhiều hơn.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đặt vấn đề: Quốc hội chia sẻ trách nhiệm trong những vấn đề tồn tại của đất nước như thế nào? Bởi Quốc hội rất nhiều quyền và căn cứ theo Hiến pháp và pháp luật thì Quốc hội quyết định tất cả những vấn đề lớn.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch
Nói đến Quốc hội trước hết là nói đến xây dựng pháp luật và khoá XIII làm rất công phu và ban hành hơn 100 bộ luật và đạo luật, nhưng theo Đại biểu Trần Du Lịch, trong nhiệm kỳ này để luật đi vào cuộc sống chúng ta cần gần 5.000 văn bản dưới luật, trong đó gần 4.000 thông tư và thông tư liên tịch.
“Nguyên nhân ở đâu? Chúng ta có cải tiến nhưng tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, làm cho hiệu lực của luật giảm, với cử tri đây là trách nhiệm của Quốc hội”, ông Trần Du Lịch thẳng thắn.
Nói nhiều về nợ công, bội chi nhưng tất cả những việc đó đều Quốc hội quyết. Thậm chí chi vượt thì Quốc hội vẫn quyết toán. Như vậy, trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong vấn đề giải quyết bài toán quyết định về ngân sách thế nào, chính sách thế nào cũng là điều cần chia sẻ.
Nói về tăng biên chế thì xem lại hầu như những luật đã ban hành đều đẻ ra thêm bộ máy. Nhiều khi ban hành luật chúng ta có chính sách nhưng chưa tính toán lấy nguồn lực nào để thực thi chính sách đó. Do đó đại biểu kiến nghị khi Quốc hội ban hành chính sách phải tính toán kỹ lấy nguồn lực nào, ở đâu để thực thi, còn nếu không thì không ban hành.
Không làm việc nhỏ thì sao làm được việc lớn
Đặt vấn đề một “rừng luật” được ban hành nhưng vì sao tình hình vẫn phức tạp, khó khăn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lâm Đồng cho rằng, điều đó chứng tỏ vẫn còn rất nhiều luật không đi vào cuộc sống, không gắn bó với thực tiễn. Thực tế có đạo luật chưa có hiệu lực đã phải sửa hoặc có những đạo luật tuổi thọ ngắn thể hiện chất lượng làm luật còn những vấn đề cần nâng cao.
Đề cập chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng vẫn còn hạn chế, đại biểu Thuyền lấy dẫn chứng: Quyết định về ngân sách là những vấn đề hết sức quan trọng, hệ trọng nhưng Quốc hội rất đơn giản khi quyết định những vấn đề này. Năm nay quyết định giới hạn bội chi ngân sách không quá 5% nhưng khi quyết toán trên 6% mà Quốc hội vẫn biểu quyết thông qua.
Về giám sát tuy đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn: Quốc hội phải làm việc lớn nhưng việc nhỏ không làm được thì sao làm được việc lớn? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, giám sát một chủ trương, đường lối là đúng nhưng cần phải đi vào cụ thể, cử tri bây giờ rất mong được làm những công việc cụ thể, qua công việc cụ thể mới tác động dây chuyền mạnh mẽ đến việc khác.
“Những cơ quan, đơn vị, người đứng đầu ngành nào quyết định những vấn đề cụ thể, giải quyết được thì đã đi vào lòng dân. Trông một rừng cây thấy xanh nhưng bên trong mục ruỗng nên cây sâu bệnh không giải quyết thì làm sao giải quyết được việc lớn. Cần giám sát chung nhưng phải giám sát cụ thể để nâng cao được chất lượng, có tác dụng thiết thực, chuyển biến tình hình”, đại biểu nói.
Hay về chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri đánh giá rất cao nhưng có nhiều vấn đề theo dõi đến cùng thì chưa quyết liệt. Vì vậy, nhiều kiến nghị của cử tri, đại biểu chất vấn, đặt câu hỏi và các Bộ trưởng hứa, trả lời bằng văn bản nhưng nhiều việc vẫn không chuyển. “Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa quyết liệt, chưa mạnh mẽ. Tôi mong muốn nhiệm kỳ tới đại biểu Quốc hội phải làm tích cực hơn nữa và theo đuổi đến cùng những vấn đề mình chất vấn, kiến nghị”, ông Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN