Kinh tế Việt Nam 10 năm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
10 năm qua, GDP của Việt Nam đã có bước tăng trưởng tới hơn 4 lần. Nếu như năm 2006, quy mô GDP chưa đến 1 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2015, quy mô của nền kinh tế đã lên tới gần 4,2 triệu tỷ đồng.
Giai đoạn 2006-2010, mặc dù quy mô kinh tế năm 2010 tăng gấp 2 lần năm 2006 nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Từ năm 2011 đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với sự mất cân đối trong nhiều năm của nội tại nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta thậm chí còn thấp hơn giai đoạn 2006-2010. Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.145 USD. Đến năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên 1.908 USD, tuy nhiên với mức bình quân này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1987, Thái Lan năm 1992, Indonesia năm 2007, Phillippines năm 2008 và của Hàn Quốc trong năm đầu thập niên 80 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Vốn FDI vào Việt Nam năm 2015, bao gồm vốn đăng ký và giải ngân, đã tăng khoảng 4 lần sau với năm 2006. Mức vốn FDI đăng ký trên 70 tỷ USD năm 2008 là mức cao nhất trong 10 năm qua trước hiệu ứng Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân năm 2008 ở mức khiêm tốn. Dù vậy, dòng vốn FDI vào Việt Nam những năm qua rất ổn định, và đóng góp của doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn - Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan.
Có thể nhận thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 10 năm từ 2006-2015 liên tục tăng trưởng. Nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa đạt 70 tỷ USD, thì năm 2015 con số này đã xấp xỉ 330 tỷ USD. Cùng với việc thu hút nhiều vốn FDI, khối doanh nghiệp này đang chiếm tỷ trọng trên 65% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua - Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan.
Năm 2015, lần đầu tiên chi ngân sách nhà nước đã vượt 1,2 triệu tỷ đồng. Năm qua, Chính phủ đã bổ sung số thực hiện vốn ODA tăng 30.000 tỷ đồng, tăng bội chi ngân sách nhà nước lên mức 6,11%GDP. Trong 10 năm qua, mức thu ngân sách đã tăng khoảng 3,5 lần, trong khi mức chi thì tăng khoảng 4 lần. Trong khi đó, lạm phát trong những năm qua đã giảm tốc mạnh mà đỉnh điểm là mức tăng 0,63% trong năm 2015. Trong giai đoạn 2006-2011, mức lạm phát năm 2008 và 2011 cho thấy những bất ổn đỉnh điểm khó khăn nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách chưa đủ phù hợp cũng là nguyên nhân khiến lạm phát cao. Để ổn định lạm phát, Việt Nam đã phải nhiều năm đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền ở mức thấp - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
10 năm qua, năng suất lao động đã có sự tăng trưởng khá mạnh, từ mức hơn 22 triệu đồng/người thì sau 10 năm đã lên gần 80 triệu đồng/người. Cùng với sự phát triển kinh tế, năng suất lao động xã hội của nước ta cũng được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, Việt Nam là nước có tốc tăng năng suất lao động cao hơn nhiều so với Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trong suốt 10 năm qua đều có xu hướng giảm và đều dưới 5,4%. Đây là mức thấp nếu so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy tỷ lệ thất nghiệp không cao (tỷ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi lao động hiện nay khoảng 2,2%, trong đó khu vực thành thị 3,6%), nhưng xét về góc độ vị thế việc làm thì lao động Việt Nam chủ yếu là làm các công việc gia đình hoặc tự làm các công việc này thường có thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định. Trong khi đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã vượt 50 triệu người kể từ năm 2010. Đây là là điều kiện tốt cho quá trình phát triển kinh tế với lực lượng lao động dồi dào - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
tHEO DUY CƯỜNG - THÁI HÀ (VnEconomy)