Sức sống mới trên vùng chiến khu xưa
Trở lại Cát Sơn (huyện Phù Cát) vào một ngày tháng 3.2016, chúng tôi rất ấn tượng với sự khởi sắc của xã miền núi này. Những cánh đồng lúa Ðông Xuân trĩu hạt, những đồi keo bát ngát, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi… minh chứng cho sức sống mới ở một vùng đất từng là căn cứ kháng chiến của tỉnh nhà, với những địa danh lịch sử như Hòn Chè, Hang Ðá gắn liền với những chiến công oanh liệt.
Một công trình thủy lợi ở Cát Sơn. Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, cho biết: Sau ngày giải phóng đến nay, Cát Sơn được Nhà nước quan tâm tạo nhiều điều kiện về mọi mặt, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa. Hệ thống điện khép kín đến các xóm, khu dân cư. Các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế... góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Cát Sơn.
Là xã miền núi, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, xã tập trung phát triển nông-lâm nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, khảo nghiệm giống cây trồng phù hợp; vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất cao, thích hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, mùa vụ vào sản xuất... Nhờ đó năng suất lúa đạt bình quân 60,4 tạ/ha, đậu phụng 34 tạ/ha, mì 240 tạ/ha, góp phần nâng mức bình quân lương thực đầu người lên 604 kg/năm.
Dựa vào lợi thế có nhiều đồi núi, người dân Cát Sơn đã chú trọng phát triển chăn nuôi. Hiện đàn trâu bò có 3.137 con, 76,8% là bò lai; đàn trâu 64 con, đàn dê 120 con; đàn heo 3.096 con và đàn gia cầm gần 27.000 con. Thu nhập từ chăn nuôi chiếm 25% giá trị thu nhập trong nông nghiệp.
Cát Sơn không chỉ tăng cường vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, mà còn phát triển vốn rừng thông qua việc trồng rừng theo dự án WB3, phong trào trồng cây nhân dân, xây dựng vườn rừng, từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng độ che phủ của rừng. Toàn xã có 3.650 ha rừng được khoán khoanh nuôi bảo vệ, hơn 400 ha rừng WB3 và hàng trăm hecta rừng trồng theo phân tán và trồng cây nguyên liệu, 405 ha điều trong thời kỳ cho quả. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp đạt 35,5%, thu nhập từ rừng chiếm tỉ trọng không nhỏ. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 20,7%, thu nhập bình quân đầu người trên 25 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Hà Trung, Bí thư Đảng ủy xã Cát Sơn, cho biết: Những kết quả đạt được trong thời gian qua chính là nền tảng để Cát Sơn vững bước đi lên trong thời gian tới. Xã tập trung mọi nỗ lực để XDNTM; trước mắt tập trung phát triển kinh tế vườn rừng, kết hợp chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi mùa vụ cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh chăm sóc, nâng cao năng suất chất lượng nông sản phẩm, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai lao động sẵn có...
HOÀI TRUNG