Tây Sơn trên đường phát triển
Từ sau ngày giải phóng đến nay, phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước, Ðảng bộ và nhân dân Tây Sơn đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực xây dựng quê hương. Ðặc biệt, qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, huyện đã tập trung phát huy tiềm năng và nội lực, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển KT-XH ở địa phương.
Một chuyền may của Nhà máy may Tây Sơn. Ảnh: H.C
Tuy xuất phát điểm là một huyện nghèo, sản xuất không đủ tiêu dùng, nhưng từ năm 1975 đến nay, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, giá trị của các ngành sản xuất chính tăng dần qua các năm. Trong đó giai đoạn 1976-1980 tăng 5,1%; giai đoạn 1991-2000 tăng 12%; từ năm 2010-2015 tăng 14,3%/năm. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất là thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn huyện đã thu được những thành quả quan trọng, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới và phát triển.
Những năm gần đây, từ nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến giao thông quan trọng, như tuyến Quán Á - Đồng Le, tuyến Bình Thành đi Bình Thuận, tuyến Bình Thành - Hà Nhe, tuyến ĐT 636 đi Tây Bình, tuyến quốc lộ 19 đi làng Cam, tuyến Cầu Vôi - Phú Lạc, tuyến Nam Giang - Hòa Hiệp.... Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã, thôn xóm cũng đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Hàng chục km đê kè chống sạt lở đê sông Côn ở những vị trí xung yếu như Tây Vinh, Tây Bình, thị trấn Phú Phong… được xây dựng.
Lĩnh vực thủy lợi cũng được đầu tư đúng mức, nhiều công trình hồ đập đã được nâng cấp sửa chữa lớn, đảm bảo tưới trên 90% diện tích gieo trồng của huyện, như hệ thống kênh tưới Thuận Ninh, hồ Hóc Đèo, kênh mương Lộc Giang, đập dâng Văn Phong và hàng ngàn mét kênh mương nội đồng. Nhờ vậy từ chỗ thiếu gạo ăn, đến nay sản lượng lương thực của huyện đạt mức 70.000 tấn/năm.
Nét nổi bật là tiến trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, không gian đô thị từng bước được mở rộng, trung tâm thị trấn Phú Phong, các thị tứ Đồng Phó, Mỹ Yên... ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Nhiều khu dân cư mới tại trung tâm huyện lỵ khá sầm uất, như khu dịch vụ đê bao Sông Côn, khu dân cư ngã 3 quốc lộ 19 - Nguyễn Huệ…. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại cũng đã mọc lên, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, như Nhà máy may Tây Sơn, Siêu thị Vinatex… Ngoài ra nhiều công trình kinh tế trọng điểm như thủy điện An Khê-Kanak, thủy điện Tiên Thuận, Văn Phong và một số công trình khác cũng được xây dựng và hoạt động hiệu quả.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện gần 30 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 37% giảm còn 5,6%; số hộ khá, giàu tăng đáng kể, có 100% hộ dùng điện, 97% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Đây là hành trang quan trọng để Tây Sơn phát triển nhanh. Trước mắt, trong 5 năm tới, huyện phấn đấu đưa mức tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 12%; trong đó du lịch - dịch vụ- thương mại tăng 16%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 10%; nông, lâm ngư nghiệp tăng 4%. Phấn đấu cơ cấu kinh tế của huyện đến năm 2020: Du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm 46%; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp 34%; nông, lâm, ngư nghiệp 20%; thu nhập bình quân đầu người 45 triệu đồng/năm.
HOÀNG CHI