Đảm bảo các điều ước quốc tế không trái pháp luật Việt Nam
Đó là yêu cầu quan trọng được nhiều vị ĐBQH nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, 30.3, về dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, sau khi dự án Luật được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho sửa tên Luật thành "Luật Điều ước quốc tế" để đảm bảo tính khái quát, ngắn gọn, phù hợp với thực tiễn tên gọi các luật trong nước và pháp luật quốc tế về điều ước quốc tế.
Về nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế (ĐƯQT), ông Hằng cho biết, có ý kiến đề nghị sửa cụm từ “phù hợp với Hiến pháp” bằng “không trái với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc ký kết và thực hiện ĐƯQT. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng này.
Về ý kiến cho rằng ngoài quy định chung về cơ quan chủ trì đề xuất đàm phán ĐƯQT là Bộ Ngoại giao thì đối với ĐƯQT liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội, cơ quan chủ trì đề xuất đàm phán nên là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ông Trần Văn Hằng cho rằng, các ĐƯQT về chiến tranh, hòa bình, an ninh, chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ là những ĐƯQT thể hiện chính sách lớn về đối ngoại, có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. “Từ trước đến nay, các Hiệp định lớn như Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hiệp định Paris 1973 đều do Bộ Ngoại giao chủ trì đàm phán. Quy định giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất đàm phán các ĐƯQT loại này kế thừa quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT hiện hành cũng như Pháp lệnh ký kết và thực hiện ĐƯQT được ban hành trước đó”, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại nhận định và đề nghị giữ quy định như dự thảo.
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, nhiều ĐBQH nhận xét, vừa qua Việt Nam đã ký kết rất nhiều ĐƯQT, song nội dung của những ĐƯQT này còn nhiều điểm xung đột với pháp luật Việt Nam. ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) dẫn chứng: “Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá… đều liên quan rất nhiều đến các điều ước quốc tế và có nhiều điểm mâu thuẫn. Như theo Công ước ASEAN thì để được cấp chứng chỉ hành nghề y dược phải thi đầu vào và chứng chỉ có thời hạn 5 năm. Luật của ta khi đưa ra Quốc hội thì Quốc hội cho rằng như thế là thủ tục hành chính quá rườm rà nên không chấp nhận quy định như vậy”.
Theo ĐB Tiên, sự cồng kềnh của nền hành chính đã làm triệt tiêu nhiều quy định tiến bộ. ĐB Nguyễn Văn Tiên đề xuất, trước khi ký kết các ĐƯQT, Chính phủ cần rà soát, chỉ rõ những vấn đề khác với luật Việt Nam và xin ý kiến ĐBQH bằng phiếu (trong thời gian Quốc hội không họp), có giải trình cụ thể. Một số ĐƯQT thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu thì khi thẩm tra Ủy ban Đối ngoại cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội.
Theo Anh Phương (SGGP)