Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới
Theo phong tục tập quán của dân tộc ta, cách thức tổ chức đám cưới cũng là biểu hiện nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng. Qua hơn 10 năm tuyên truyền, vận động thực hiện Quyết định số 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, rất nhiều gia đình ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đám cưới với những đổi thay tích cực.
Theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ, thì việc cưới phải đảm bảo các yêu cầu: Các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ; lễ hỏi; xin dâu cần được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày. Đồng thời khuyến khích thực hiện trong việc cưới các hình thức như báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới; tổ chức tiệc trà thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình, hội trường cơ quan, nhà văn hóa. Không hút thuốc lá trong đám cưới...
Múa rước dâu theo nghi thức truyền thống trong một đám cưới của người Bana ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGUYÊN VIỆT
Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động
Tại TP Quy Nhơn, Phòng VH-TT phối hợp với Trung tâm VH-TT-TT đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền trực quan, các cuộc thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới. Ông Lê Ngọc Anh, Trưởng Phòng VH-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Đến nay, 152 quy ước văn hóa của các khu phố, thôn trên địa bàn thành phố đều có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.
Ở huyện Phù Mỹ, Phòng VH-TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Hội LHPN huyện tổ chức tuyên truyền “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hằng năm, tổ chức tuyên truyền lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào các hội thi “gia đình hạnh phúc”. Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ và UBND xã, thị trấn cũng đã có sự chủ động tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân như: tổ chức các chương trình văn nghệ, thi hùng biện, thi đội thông tin lưu động, các tiểu phẩm về chuyện cưới...
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội chú trọng lồng ghép kiến thức về các thủ tục trong tổ chức việc cưới cho đoàn viên, thanh niên thông qua các diễn đàn, hội thi, sinh hoạt, giao lưu... để cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm. Vận động đoàn viên, thanh niên tổ chức các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu... đơn giản, gọn nhẹ, tránh phô trương, lãng phí. Đồng thời khuyến khích đoàn viên, thanh niên và gia đình tổ chức lễ cưới tại nhà hoặc ở các nhà văn hóa tại địa bàn dân cư...
Nhiều đổi thay tích cực
Vừa qua, Sở VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở VH-TT &DL, chủ trì hội nghị đã nhận xét: “Những năm trước khi có Chỉ thị số 27/CT-TW và Quyết định số308/2005/QĐ-TTg, các nghi thức đám cưới ở nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn rườm rà, tiến hành đủ 6 nghi lễ: nạp thái (bắn tin), vấn danh (xin ngày tháng đẻ, tên tuổi đôi bên), nạp cát (chạm ngõ, đính ước), đại nạp (lễ hỏi), thỉnh kì (xin cưới), thân nghinh (lễ cưới). Đến nay, nhìn chung việc tổ chức đám cưới ở Bình Định đã không còn hủ tục lạc hậu, các nghi thức truyền thống, phong tục tốt đẹp được gìn giữ và phát huy”.
Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Thạnh, trong 10 năm qua, trên địa bàn huyện có 2.186 đám cưới được tổ chức, trong đó có 2.140 đám cưới được đánh giá là thực hiện theo nếp sống văn minh. Đám cưới đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không còn tổ chức dài ngày, đặc biệt bà con đã quan tâm hơn đến mặc trang phục truyền thống trong đám cưới. Việc tổ chức đám cưới của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện An Lão đã có nhiều tiến bộ, nghi thức lễ cưới đơn giản hơn so với trước, chỉ còn hai lễ là lễ đính hôn và lễ cưới. Sính lễ trong đám cưới cũng giảm, không còn nạn thách cưới...
Bà Thái Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND xã An Quang, huyện An Lão, cho biết: “Trước đây, một số thanh niên đồng bào Hre trên địa bàn xã dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng buộc gia đình phải tổ chức đám cưới linh đình để bạn bè thỏa mãn. Tình trạng uống nhiều rượu say xỉn, mở nhạc thâu đêm suốt sáng, gây gổ đánh nhau đã xảy ra ở một số đám cưới. Vì vậy, hằng năm các ngành, đoàn thể xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong cán bộ hội viên, đoàn viên đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “cưới văn minh, tiết kiệm trong thanh niên”. 10 năm qua, có 124 đôi bạn trẻ đăng ký và tổ chức kết hôn trên địa bàn xã. Trong đó, có 113 đám cưới tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện nếp sống văn hóa, tiết kiệm”.
Tại khu vực nông thôn ở vùng đồng bằng, việc tổ chức đám cưới cũng đã có những chuyển biến tích cực. Như ở thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, trong đám cưới đã không tổ chức nhạc sống gây ồn ào sau 10 giờ đêm, rút gọn các thủ tục nghi lễ không còn phù hợp, tổ chức lễ cưới tiết kiệm. Người dân trong thôn được khuyến khích dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự tiệc cưới...Còn ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, đã vận động cán bộ, nhân dân không tổ chức đám cưới linh đình dài ngày, không mời thuốc lá, giảm rượu bia. Ông Cao Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đập Đá, cho biết: “Riêng năm 2015, toàn phường có 126 đám cưới, hầu hết đều thực hiện tốt quy ước, hương ước của khu dân cư. Đáng chú ý là đại bộ phận nhân dân đều đã tổ chức tiệc cưới với nghi lễ giản lược hơn, chỉ còn lễ chạm ngõ, lễ hỏi và lễ cưới. Các hủ tục lạc hậu được loại bỏ dần”.
HOÀI THU