Tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ tài nguyên nước
Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước (TNN) ngầm, ô nhiễm nguồn nước do vấn nạn xả thải chưa qua xử lý vào môi trường, nguy cơ xâm nhập mặn nguồn nước… là thực trạng đáng lo ở tỉnh ta. Vì vậy, tìm giải pháp tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ TNN là nội dung quan trọng tại hội thảo (HT) vừa tổ chức tại TP Quy Nhơn.
Thực trạng đáng lo
Theo ông Hồ Hưởng, Trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Nhơn, trên địa bàn huyện hiện có 17 hồ chứa nước, 8 con sông lớn, 16 con suối lớn…; song chỉ có 6/17 hồ chứa có quy trình vận hành. Đáng lưu ý, huyện có khoảng 50.000 giếng khoan, giếng đào của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự khoan hoặc đào, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước ngầm. Đồng thời, tình trạng xả chất thải, rác, nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước, lòng đất, nhất là trong lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thủy sản… đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và nguy cơ ô nhiễm TNN. Bên cạnh đó là tình trạng khan hiếm nước, nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn… Điều đáng lo ngại là những thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc TNN trên địa bàn huyện chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý TNN.
Cán bộ của Trung tâm Quan trắc TN-MT đang nghiên cứu, đánh giá chất lượng một mẫu nước ngầm.
Còn theo ông Phạm Văn Trọng, chuyên viên Phòng TN-MT huyện Tây Sơn, trên địa bàn huyện hiện có 12 cụm công nghiệp (CCN) nhưng chỉ có CCN Phú An đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Về nước thải sinh hoạt, chỉ có thị trấn Phú Phong quy hoạch hệ thống thoát nước chung, 14 xã còn lại không có. Việc XLNT sinh hoạt còn mang tính tự phát, rất khó kiểm soát và quản lý. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một số điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với số lượng lớn, nước thải được thải trực tiếp ra các hệ thống kênh mương, ao, sông, hồ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nước mặt tại địa phương. Đáng lưu ý, ngoài thị trấn Phú Phong và một số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để cấp nước sạch cho nhân dân, còn lại 10/14 xã chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung.
Theo ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở TN-MT, Bình Định thuộc khu vực thường xuyên bị ngập lụt về mùa mưa, thiếu nước về mùa khô; cùng với đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các nguồn thải trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, áp lực về nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng trong bối cảnh khô hạn, thiếu nước ngày càng trầm trọng, làm cho hàng ngàn hecta đất thiếu nước sản xuất; ở nhiều khu vực, người dân thiếu nước sinh hoạt. Điều đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm nguồn nước gia tăng, xâm nhập mặn có dấu hiệu lấn vào đất liền làm cho tình trạng thiếu hụt nguồn nước càng trở nên nghiêm trọng.
Một số giải pháp
Có thể nói, công tác quản lý, khai thác, bảo vệ TNN trên địa bàn tỉnh thời gian qua mặc dù đã từng bước được cải thiện, song vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để có thể quản lý, khai thác và bảo vệ TNN thực sự hiệu quả? Xung quanh vấn đề này, tại HT “Tìm giải pháp tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ TNN”, đại biểu của nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Theo ông Hồ Hưởng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý TNN, cần sớm quy hoạch, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch TNN; hướng dẫn việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; xác định, công bố và quản lý vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; quy định về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; cập nhật số liệu về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đồng thời, cần xây dựng thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc TNN; đánh giá mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước từ khu vực để từ đó đưa ra biện pháp giải quyết kịp thời.
Còn theo ông Phạm Văn Trọng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ TNN trên địa bàn; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ về môi trường như: “Ngày Nước thế giới”; “Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường”; tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ Dòng sông quê em”… UBND các xã, thị trấn trên địa bàn cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ TNN; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra cấp phép khai thác sử dụng TNN, cấp phép xả thải vào nguồn nước…
Ông Đinh Văn Tiên cho biết, trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN bằng các hành động cụ thể, như: Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ TN-MT để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ TNN trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ TNN; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị cố tình vi phạm pháp luật TNN; đẩy mạnh việc điều tra, đánh giá, quy hoạch làm công cụ cho công tác quản lý TNN…
Cũng theo ông Đinh Văn Tiên, Sở TN-MT vừa chính thức công bố Dự thảo “Quy định quản lý TNN trên địa bàn tỉnh Bình Định”, nhằm lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương và cán bộ, nhân dân trong tỉnh, trước khi trình UBND tỉnh thông qua. Trong đó có những nội dung quan trọng, như: Điều tra cơ bản TNN, kiểm kê TNN; quy hoạch TNN; xây dựng cơ sở dữ liệu về TNN; điều tra hiện trạng khai thác sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước; quan trắc, bảo vệ TNN; phát triển KH-CN sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; đăng ký, cấp phép sử dụng TNN; chế độ báo cáo, thanh tra chuyên ngành về hoạt động TNN...
VIẾT HIỀN