KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ĐỊNH (31.3.1975 -31.3.2016)
Đổi thay những vùng đất ven biển
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi đi dọc đường ven biển của tỉnh, trải dài từ Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) ra đến Tam Quan (Hoài Nhơn), để cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của những vùng đất đang được triển khai các dự án du lịch dựa vào lợi thế biển đảo.
Từ khu Đông ngày ấy
Đường ven biển, nơi dãy núi Bà sừng sững hướng mặt ra biển Đông, vốn là căn cứ cách mạng của Bình Định trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.
Khu du lịch Trung Lương (xã Cát Tiến) đang được hình thành tạo thêm động lực cho xã Cát Tiến phát triển mạnh mẽ hơn.
Đứng trước Khu di tích Chiến thắng núi Bà nhìn xuống biển Trung Lương, bên cạnh là con đường ven biển, ông Nguyễn Văn Tâm (63 tuổi, thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến, Phù Cát), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cát Tiến, nguyên chiến sĩ Đại đội đặc công Đ30, đóng quân tại núi Bà, hồi tưởng: Thời kháng chiến chống Mỹ, hàng ngày, tôi cùng đồng đội chứng kiến những trận bom, pháo của địch dội xuống núi Bà, mà lúc đó gọi là “núi bạc đầu”, vì không có cây cỏ nào sống nổi. Giờ đây, không ai ngờ, con đường mòn nhỏ chạy dọc một bên là biển, một bên là núi để vận chuyển lương thực, vũ khí cho các đơn vị của ta đóng quân ở dọc núi Bà, lại “lột xác” thành con đường ven biển dài hơn trăm ki lô mét nối liền các xã ven biển với nhau. Những lần đồng đội cũ về thăm lại chiến trường xưa, tôi dẫn đi dọc con đường này, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất đầy bom đạn năm xưa.
Xuôi từ Bắc vào Nam trên tuyến đường này, rẽ xuống Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), đại công trường Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý - Quy Nhơn vẫn đang duy trì nhịp độ thi công hối hả để kịp khánh thành vào cuối tháng 6.2016, như Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định. Dự án này đã và đang tác động ngày một đến cuộc sống cư dân xã bán đảo này.
Cụ Nguyễn Đình Ấn (82 tuổi, thôn Lý Chánh), cán bộ tập kết, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý 4 nhiệm kỳ liền, nhận xét: “Thời kháng chiến, dân Nhơn Lý một lòng theo cách mạng, kiên trung bất khuất, nghe “sóng gầm Phước Lý” là đủ biết phong trào cách mạng địa phương mạnh nhường nào rồi. Nhiều thanh niên trong xã đã bí mật trốn gia đình thoát ly lên căn cứ núi Bà tham gia cách mạng. Hòa bình, ngư dân địa phương vẫn giữ thói quen đánh bắt gần bờ với thuyền công suất nhỏ, không phát triển mạnh được, vì vậy đã có nhiều người xa quê làm ăn, buôn bán. Kể từ khi Dự án FLC xây dựng ở đây, khách du lịch khắp nơi đến tham quan Nhơn Lý, người dân cũng theo đó hưởng lợi, phát triển các dịch vụ du lịch”.
UBND xã Nhơn Lý đang xem xét phát triển mô hình du lịch cộng đồng kiểu homestay tại xã Nhơn Lý.
- Trong ảnh: Người dân gỡ cá sau khi đi thúng trở về.
Phát triển lợi thế du lịch biển đảo
Năm 2005, tỉnh khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan dài 107 km chạy qua 21 xã với tổng vốn đầu tư 260 tỉ đồng. Đường mới hình thành, kéo theo những sự đổi thay nhất định, tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhưng mới ở khía cạnh giao thông thuận lợi. Cho đến khoảng 3 năm trước, khi những dự án du lịch sinh thái biển đảo được triển khai đồng bộ, rầm rộ, thêm “chất xúc tác” là sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông, giới thiệu những cảnh đẹp biển của Bình Định, thì một số xã biển và ven biển dần thay đổi.
Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường ven biển qua xã Cát Tiến (Phù Cát), tham quan những dự án du lịch đang triển khai tại đây như: Quần thể du lịch lịch sử - sinh thái và tâm linh Linh Phong, Khu du lịch Trung Lương, ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, nhìn nhận: Sau tuyến đường ven biển, những dự án này sẽ là cú huých cho Cát Tiến phát triển mạnh mẽ. Đến nay, xã đã có bước chuẩn bị làm quen với dịch vụ du lịch, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải đưa đón khách. Việc được UBND tỉnh quy hoạch xây dựng thành đô thị loại V vào năm 2020 cũng là động lực để Cát Tiến đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông, hệ thống các công trình công cộng, ưu tiên quy hoạch xây dựng các khu dân cư nhằm phát triển KT-XH khu vực trung tâm của xã.
Cụ Trần Tòng (70 tuổi), Trưởng thôn Phú Hậu (xã Cát Tiến) nhận xét, từ khi con đường ven biển hình thành, bộ mặt nông thôn của xã đổi thay nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, các dự án đang triển khai tại xã cũng tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Việc các hộ dân trong thôn đang đóng góp kinh phí để mắc điện đường thắp sáng quanh thôn cũng là một động thái để bắt kịp sự đổi thay nhanh chóng đó.
Khách tham quan thắng cảnh Eo Gió, Nhơn Lý.
Đi tắt đón đầu
Nói về tác động của Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý - Quy Nhơn đối với đất và người xã bán đảo Nhơn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Danh chứng minh qua các con số thống kê: “Giá đất Nhơn Lý giờ tăng gấp ba so với trước, ở vị trí gần các điểm du lịch thì giá còn cao hơn nữa. Hiện có gần 500 lao động của xã đang làm việc cho Dự án Quần thể khách sạn nghỉ dưỡng FLC. Chưa hết, trước đây khoảng 80% hộ dân trong xã sống bằng nghề đánh bắt hải sản, thì từ năm 2014, tỉ lệ này còn 60%, bởi nhiều hộ đã chuyển sang các ngành nghề khác, thương mại dịch vụ. Riêng trong năm 2015, dân trong xã mua 16 canô composite đưa đón khách du lịch đến đây tham quan các đảo. Hiện cả xã có 131 hộ kinh doanh cá thể ngành nghề công nghiệp, xây dựng, 537 hộ gia đình kinh doanh thương mại dịch vụ”.
Ônh Đinh Văn Xin, chủ nhà hàng Hướng Dương nằm ngay dưới chân thắng cảnh Eo Gió, là một trong những người biết đi tắt đón đầu cơ hội phát triển du lịch. Năm 2003, ông bỏ nghề biển, mua đất ngay Eo Gió mở quán hải sản. Ông Xin kể lại: “Hồi đó, đường lên khu vực này còn khó đi lắm, mua bán cũng chẳng mấy thuận lợi nhưng tôi vẫn làm. Giai đoạn làm cầu Nhơn Hội (2005-2008) bắt đầu có khách, là người thi công công trình đến tham quan Eo Gió rồi thường ghé ăn vì thấy hợp khẩu vị. Cuối năm 2014, lượng khách đổ về Eo Gió càng đông hơn nữa, tôi mở thêm dịch vụ đưa khách tham quan Hòn Sẹo, Hòn Cân, lặn ngắm san hô ở bãi Dứa”. Năm 2015, ông Xin chở được khoảng 3.000 - 4.000 lượt khách, từ đầu năm 2016 đến nay cũng trên 1.000 lượt người. Mới đây, ông quyết định mua thêm chiếc cano composite thứ 3, giá 650 triệu đồng, để đáp ứng nhu cầu của khách.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Thành Danh cho biết, hiện nay UBND xã đang tiến hành các bước quy hoạch lại các điểm vệ sinh, nhà để xe ngay khu vực Eo Gió, duy tu các công trình kiến trúc tiêu biểu của Nhơn Lý để phục vụ nhu cầu khách tham quan, trong đó chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích mô hình du lịch homestay, dịch vụ bán hàng lưu niệm. Xã cũng đang phối hợp với Tổ chức UN-Habitat tại Việt Nam (Tổ chức chương trình định cư con người - Liên Hiệp quốc) làm dự án phát triển du lịch cộng đồng.
THU HÀ - NGUYỄN PHÚC