TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi)
Hôm qua, 30.3, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, góp ý Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Dưới đây là phát biểu ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) về Dự thảo Luật này.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), tôi đồng tình với những nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để làm rõ hơn 1 số nội dung trong dự thảo Luật, tôi xin có một số góp ý:
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh
Về áp dụng tạm thời điều ước quốc tế
Điều 53 quy định điều ước quốc tế (ĐƯQT) hoặc một phần của ĐƯQT có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục để ĐƯQT có hiệu lực theo quy định của ĐƯQT đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Tuy nhiên có ĐƯQT nhân danh Nhà nước, có ĐƯQT nhân danh Chính phủ, có ĐƯQT được phê chuẩn và có ĐƯQT cần được phê duyệt. Luật cho phép được áp dụng tạm thời ĐƯQT mà không quy định cơ quan nào có thẩm quyền cho phép áp dụng tạm thời ĐƯQT là không chặt chẽ. Nếu có quy định cơ quan nào cho phép áp dụng tạm thời ĐƯQT thì Luật sẽ chặt chẽ hơn. Tôi ví dụ nếu ĐƯQT theo quy định cần Quốc hội phê chuẩn, nhưng do nhu cầu cần áp dụng tạm thời thì có thể quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng tạm thời. Luật cũng cần quy định cơ quan nào cho áp dụng tạm thời ĐƯQT thì cơ quan đó có quyền chấm dứt áp dụng tạm thời ĐƯQT đó, không quy định giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký ĐƯQT quyết định chấm dứt áp dụng tạm thời ĐƯQT đó.
Về dịch thuật điều ước quốc tế
ĐƯQT phần lớn là bằng tiếng Anh, có một số tiếng nước khác theo thỏa thuận của 2 bên ký kết. Trong khi có nhiều cơ quan được ủy quyền ký và được ủy quyền đàm phán ĐƯQT, nếu vì hạn chế về tiếng Anh chuyên ngành mà chúng ta hiểu không hết một số quyền và nghĩa vụ được quy định trong ĐƯQT thì sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia. Tôi đề nghị luật cần có quy định đó là trước khi tiến hành ký ĐƯQT thì tùy vào tính chất quan trọng, tính bảo mật của ĐƯQT mà người có thẩm quyền ký ĐƯQT phải được cung cấp 2 bản dự thảo ĐƯQT dịch bằng tiếng Việt từ 2 cơ quan độc lập với nhau để đảm bảo người có thẩm quyền ký ĐƯQT đã hiểu chính xác nhất có thể về các quyền và nghĩa vụ được quy định trong điều ước. Không để xảy ra trường hợp vì có cách hiểu khác nhau trong dịch thuật mà chúng ta ký kết những điều ước không đem lại lợi ích cao nhất có thể cho quốc gia.
Về các hành vi bị nghiêm cấm
Các đạo Luật đều có một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và chấp hành pháp luật. Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT (sửa đổi) là một đạo luật hết sức quan trọng vì luật này sẽ quy định việc cho phép cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thực hiện một số hành vi pháp lý để từ đó ràng buộc Việt Nam vào những trách nhiệm pháp lý có tính chất quốc tế. Hiến pháp 2013 đã quy định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và ĐƯQT mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và ĐƯQT mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của ĐƯQT, trừ Hiến pháp. Chính vì sự ràng buộc có tính pháp lý cao như vậy nên trong ký kết các điều ước chúng ta không được chủ quan, thiếu trách nhiệm, có sai sót hay có hành vi trái pháp luật; trong khi dự thảo Luật không quy định một hành vi bị cấm nào. Vì vậy, tôi đề nghị Luật cần bổ sung nhiều hành vi bị cấm, để từ đó quy rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong các bước ký kết ĐƯQT, để đảm bảo các ĐƯQT khi được ký kết phải đem lại lợi ích cao nhất cho quốc gia.
Về giải thích từ ngữ
Theo giải thích từ ngữ tại khoản 5, điều 2 thì việc ký kết là những hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập ĐƯQT hoặc trao đổi văn kiện tạo thành ĐƯQ. Tuy nhiên, trong phần giải thích từ ngữ thì dự thảo chỉ giải thích các từ ký, ký tắt, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập còn đàm phán là khâu đầu của quá trình ký kết, là khâu hết sức quan trọng liên quan đến chất lượng sau này của ĐƯQT như trong dự thảo Luật lại không giải thích. Tôi đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung một khoản giải thích khái quát thế nào là đàm phán ĐƯQT trước khi cụ thể nội dung này tại chương II.
NGUYỄN VĂN CẢNH