Ký ức ngày giải phóng
20 giờ ngày 31.3.1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh Bình Định, đánh dấu thời điểm lịch sử giải phóng thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trận chiến đấu ác liệt cuối cùng với quân địch lại diễn ra trong ngày 1.4.1975.
Đồng chí Võ Lụa, nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 51 (Tỉnh đội Bình Định), người trực tiếp cắm cờ trên Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh, cho biết: “Trong trận quyết chiến cuối cùng giải phóng thị xã Quy Nhơn, Đại đội 2 vinh dự được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ cắm cờ; tổ cắm cờ ngoài tôi còn có đồng chí Nguyễn Đình Chính, Chính trị viên phó Đại đội 2 và 2 chiến sĩ nữa. Giây phút được nhìn thấy lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tòa Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh, anh em chúng tôi mừng đến rơi nước mắt, cảm xúc lúc này không thể tả được. Sau đó, tổ của đồng chí Chính làm nhiệm vụ chốt chặn tại Dinh Tỉnh trưởng và các đồng chí đã anh dũng hy sinh khi bắn nổ tung chiếc xe bọc thép của của tên Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 41 đang trên đường tháo chạy. Thời điểm các đồng chí hy sinh cũng là lúc trên mảnh đất Bình Định đã im tiếng súng, và các đồng chí ấy mới chỉ được hít thở không khí hòa bình vỏn vẹn 20 giờ đồng hồ”.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 93, đơn vị trực tiếp tham gia giải phóng Quy Nhơn tham dự Tọa đàm
Cờ Mặt trận giải phóng đã tung bay trên nóc Tòa Hành chính ngụy quyền tỉnh, tuy nhiên, cuộc chiến đấu vẫn chưa chấm dứt. Sư đoàn 22 ngụy bị Sư đoàn 3 Sao vàng cùng quân và dân địa phương đánh tơi bời trên đường 19, mất sức chiến đấu. Đêm 31.3.1975, chúng gom trên 6.000 quân, 300 xe quân sự, hàng chục khẩu pháo hạng nặng, tập trung tại cầu Bà Gi tổ chức lại lực lượng để sáng 1.4 liều mạng mở đường máu tháo chạy vào Quy Nhơn tìm lối thoát ngắn nhất bằng đường biển. Nắm được âm mưu của địch, Sở chỉ huy tiền phương chủ trương đánh sập cầu Sông Ngang, buộc địch phải chạy vòng qua đường Lam Sơn (nay là đường Tây Sơn), nơi có địa hình thuận lợi được Tiểu đoàn 52 bày sẵn trận địa phục kích để tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch, nhằm hạn chế mức độ tàn phá thị xã Quy Nhơn. Đúng theo kế hoạch của ta, 12 giờ trưa ngày 1.4, các ổ phục kích của Tiểu đoàn 52 đồng loạt xuất kích đánh nát đội hình địch trên đường Lam Sơn.
Đại đội 1 của Tiểu đoàn 51 làm nhiệm vụ khóa đuôi, khi 2 chiếc xe thiết giáp M113 cuối cùng trong đội hình của địch lọt vào trận địa phục kích, các chiến sĩ nổ súng, hai tên lái xe của địch đều hốt hoảng đầu hàng. Đồng chí Vũ An Quang, Chính trị viên Đại đội 1, liền tiếp cận và bắt chúng hướng dẫn cách điều khiển xe; đồng chí Phạm Cư, Đại đội phó, lái chiếc xe M113 thứ hai. Hai đồng chí sử dụng xe của địch để tiếp tục truy kích địch trên đường tháo chạy.
Vì quân địch quá đông, nên một số bộ phận giẫm đạp lên nhau chạy thoát, nhưng bị Đại đội 20, Đại đội 30 và Đại đội Phù Cát chặn đánh quyết liệt tại khu vực nghĩa địa, ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học, Quang Trung - Nguyễn Huệ, truy kích địch dọc đường Nguyễn Huệ sang khu 2.
Lúc này, ngoài khơi Quy Nhơn có khoảng 30 tàu thuyền địch đang chờ sẵn để đón lực lượng này thoát thân nhưng đã bị hỏa lực của ta dội đạn tới tấp làm 13 chiếc chìm tại chỗ, số còn lại bỏ chạy. Cuộc chiến đấu quyết liệt trên bờ kéo dài suốt 7 tiếng đồng hồ. Các đơn vị khép chặt vòng vây, vừa đánh vừa kêu gọi địch đầu hàng. Địch rất ngoan cố, nhiều trận đánh dữ dội liên tiếp nổ ra, đến lúc chiếc xe bọc thép có tên Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 41 bị các chiến sĩ bắn nổ tung trước Dinh Tỉnh trưởng (Văn phòng HĐND tỉnh hiện nay), sức chống cự của địch mới giảm và đến 16 giờ ngày 1.4, tiếng súng mới hoàn toàn chấm dứt.
Trận đánh thắng oanh liệt cuối cùng của quân ta đã thực sự kết thúc số phận bi thảm của Sư đoàn 22 ngụy và quân địa phương đã bao năm làm mưa, làm gió, gây đau thương chết chóc trên mảnh đất này.
BÙI QUỐC SỰ
(Bộ CHQS tỉnh)