Ký sự phòng mổ
Khu phòng mổ của BVĐK tỉnh có 9 phòng, lúc nào cũng kín lịch với công suất khoảng 70-80 ca mổ/ngày. Chỉ cách bên ngoài một cánh cửa, nhưng đây lại là lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Và, cuộc chiến cứu người của các phẫu thuật viên luôn khẩn trương, căng thẳng.
Ở nơi “đầu sóng ngọn gió”
7 giờ 30 phút sáng, cả 9 phòng mổ của BVĐK tỉnh đều đã kín người. Bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng dụng cụ, hộ lý đều tất bật. Mỗi người một việc, một vị trí. Khoác lên mình bộ quần áo màu xanh, đội mũ và khẩu trang, tôi theo chân của một nữ điều dưỡng vào phòng mổ.
Dù đã nhiều lần bước vào phòng mổ và chứng kiến những cuộc mổ kéo dài, nhưng lần ở lại lâu nhất này, chị điều dưỡng dẫn đường cho tôi vẫn không quên thăm dò: “Người chưa quen vào trong này không chịu nổi đâu”. Cuối cùng, tôi vẫn trụ được cho đến ca mổ cuối cùng (vào lúc 8 giờ tối), nhưng cũng không dưới chục lần gục gật vì ảnh hưởng của thuốc mê, mùi thuốc sát trùng, đầu ong ong…
Phòng mổ là một thế giới rất riêng, không giống nơi nào trong bệnh viện. Ở đây, bệnh nhân đều ở trạng thái nguyên thủy như lúc chào đời - một quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sự tiệt trùng của khu vực phẫu thuật. “Thống trị” thế giới ấy là một kíp mổ gồm 6 người: 2 phẫu thuật viên, 2 nhân viên gây mê hồi sức và 2 điều dưỡng dụng cụ.
Ca mổ hôm ấy là ca mổ thường quy cho bệnh nhân Hà Minh Tâm, 56 tuổi, ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, mắc hội chứng chèn ép dây thần kinh cổ tay. Kíp mổ do bác sĩ Thái Thanh Bình, khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, mổ chính. Ngay khi hộ lý vừa đẩy chiếc băng ca có bệnh nhân vào phòng, các nhân viên y tế lập tức thực hiện tiêm thuốc tê, để chuẩn bị cho ca mổ. Nhịp điệu khẩn trương tăng lên khi phẫu thuật viên tiến vào phòng mổ. Giường bệnh và tư thế nằm của bệnh nhân được điều chỉnh phù hợp. Không khí trong phòng bắt đầu nóng lên, căng ra khi bác sĩ phụ trách mổ nhắc: “Bắt đầu nhé!”. Phòng mổ lúc ấy chỉ còn tiếng y lệnh của bác sĩ mổ chính, tiếng lạch cạch của các dụng cụ phẫu thuật va vào khay inox, tiếng xèo xèo của dao điện khi chạm vào lớp mỡ, âm thanh roẹt roẹt của dụng cụ hút dịch máu, xen vào đó là vài câu trao đổi chuyên môn.
Dù ca mổ chỉ chừng vài chục phút, hay kéo dài đến vài giờ đồng hồ, cũng chỉ có ngần ấy âm thanh. Một điều dưỡng giải thích: “Mọi công việc đều phải theo một quy trình đã lập sẵn và phải đảm bảo sự chính xác. Vì thế, sự im lặng để nhân viên y tế tập trung làm việc là rất cần thiết”.
Và mỗi ca mổ thực sự là một cuộc đấu trí căng thẳng của cả kíp mổ. Bác sĩ Thái Thanh Bình nói: “Bác sĩ phải tính toán từng đường dao, từng cây kim, sợi chỉ, rồi phải cân nhắc đến sức chịu đựng của bệnh nhân”.
Giành giật sự sống
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết bệnh viện hiện có vài trăm bác sĩ, nhưng đứng mổ chỉ khoảng 120 người. Năm 2012, bệnh viện đã tiến hành 26.700 ca mổ. Tính bình quân mỗi ngày các bác sĩ thực hiện 70-80 ca mổ, trong đó mổ chương trình chừng 50 ca, còn lại là cấp cứu.
12 giờ 30 phút trưa. Các phòng mổ vẫn kín người. Reng… reng… reng… 3 tiếng chuông vang lên tại phòng mổ số 4, báo hiệu cho bộ phận hộ lý ca mổ đã hoàn thành. Ngay lập tức, các hộ lý đẩy băng ca vào phòng di chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực mổ và dọn vệ sinh. Tranh thủ khoảng trống ấy, kíp mổ của phòng số 4 vội vàng đến khu vực dành cho nhân viên.
“Hiện tại, BVĐK tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật gây mê hồi sức hiện đại, tạo điều kiện cho ngành ngoại khoa của tỉnh nhà phát triển, như: gây mê hồi sức trong mổ tim hở, gây mê hạ huyết áp chỉ huy trong phẫu thuật u tủy thượng thận, thông khí một phổi trong phẫu thuật lồng ngực, gây mê masque thanh quản trong phẫu thuật nhi, gây mê hồi sức cho trẻ sơ sinh và người cao tuổi…”.
Bác sĩ NGUYỄN HUẤN, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh
Gỡ vội mũ và khẩu trang, lau nhẹ mồ hôi lấm tấm trên mặt, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Hoàng Văn Khả cầm lấy hộp cơm trên bàn, vừa ăn vừa trò chuyện với đồng nghiệp. Bữa cơm chỉ vỏn vẹn trong 10 phút. Cả kíp mổ đã quay trở lại khu vực sát trùng rồi tiến vào phòng mổ để thực hiện ca tiếp theo. Gắn bó với nghiệp cầm dao mổ hơn 20 năm, bác sĩ Khả cho biết: “BVĐK tỉnh phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân đến từ Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi… Trung bình mỗi bác sĩ phải thực hiện 5 ca mổ/ngày, chưa kể các trường hợp cấp cứu. Lịch làm việc dày đặc, công việc lại đòi hỏi tính chính xác cao nên các phẫu thuật viên thường xuyên căng thẳng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc sự không hiểu ý nhau giữa các thành viên trong kíp mổ đều có thể để lại hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân”.
Gần 5 giờ chiều, khi khu vực mổ đã vãn người, kíp mổ của khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống vẫn tiếp tục vật lộn với ca mổ cấp cứu một bệnh nhân 80 tuổi bị phình động mạch máu não. Đây là một ca mổ phức tạp, BVĐK tỉnh là một trong số ít bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được.
Bắt đầu từ 4 giờ chiều, ca mổ đã được tiến hành. Mất 1 giờ đồng hồ để thực hiện bóc lớp da đầu, cưa sọ não và phải hơn 1 giờ 30 phút để tìm thấy túi phình của động mạch não. “Tìm được đoạn động mạch bị phình rộng khoảng 3mm không hề đơn giản. Đó là chưa kể, trên đường đi tìm rất dễ gặp sự cố gây chảy máu não. Bệnh viện đã thực hiện được những ca mổ phức tạp như thế này một phần là nhờ vào sự đầu tư kính vi phẫu”, bác sĩ Đào Văn Nhân, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, chia sẻ trong lúc dừng tay.
Vừa tìm ra được túi phình, phẫu thuật viên vội vàng xử lý. Hơn 7 giờ tối, lớp màng cứng của não đã được may lại. Lớp sọ não và da đầu cũng được khâu lại sau khi đã đặt ống dẫn dịch. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng. Khi mũi chỉ cuối cùng được gút lại, cũng là lúc bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Cả êkíp thở phào, bác sĩ Nhân mỉm cười: “Mỗi một ca mổ tựa như một cuộc chiến giành giật bệnh nhân từ tay thần chết”.
Trong đời bác sĩ, nếu ai đã từng cầm dao phẫu thuật, họ đều đi qua cảm giác đớn đau, thao thức, nghĩ suy, dằn vặt khi một ca mổ thất bại - dù có thể không phải lỗi ở họ. Hỏi một bác sĩ “cứng cựa” trong các ca phẫu thuật nhi về những ca mổ đặc biệt, anh lắc đầu, rằng chỉ nhớ mỗi bệnh nhân mắc bệnh không có hậu môn. Sau khi phẫu thuật, chỉ vì một sơ suất nhỏ mà gửi cháu đi hết các bác sĩ đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội cũng không thể chữa khỏi được. Vị bác sĩ này tâm sự: “Những ca mổ thành công thì dễ quên lắm, nhưng những ca thất bại thì nhớ suốt đời. Để rồi nhắc mình phải học nhiều hơn nữa”.
Vĩ thanh
Chỉ cách phòng mổ một cánh cửa. Ở gian phòng chờ, không ít người thân của bệnh nhân đang thấp thỏm lo lắng, đứng ngồi không yên. Có ông bố đã luống tuổi lót vội đôi dép tổ ong ngồi xuống bậc tam cấp, thẫn thờ nhìn ra xa. Có cả những bà mẹ, bàn tay đan chặt vào nhau, mặt căng thẳng đi lại dọc hành lang… Tất cả họ, mỗi người một cách đợi nhưng đều cùng một cách phản ứng khi cánh cửa phòng hồi sức cấp cứu mở ra và người hộ lý gọi to tên bệnh nhân. Vẻ hoang mang, lo lắng lúc bước chân vào phòng cấp cứu đã được thay bằng một nụ cười nhẹ nhõm khi nhìn thấy người thân của mình.
Vừa tỉnh dậy sau ca phẫu thuật u xơ tử cung, bà Nguyễn Thị Liêm, 49 tuổi, ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, cố nhoẻn miệng cười khi lần lượt nhìn thấy con gái, chồng và chị em vào thăm mình. Cơn đau êm ẩm không cho phép bà nói nhiều nhưng ánh mắt thì nói được nhiều hơn thế. Phải hơn 10 phút sau, phần nào hồi tỉnh, bà mới tâm sự: “Mở mắt ra nhìn thấy cả gia đình đang bên cạnh, tôi mới thấy yên tâm phần nào”.
Cách giường bà Liêm không xa, cụ ông Trần Văn Tri, 83 tuổi, ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, đang chờ bình phục. Ông Nguyễn Văn Sáu, con rể của ông cho biết: “Ông bị xuất huyết đường ruột thấp, phải trải qua hai ca mổ với tỉ lệ sống sót 20%. Dù rất lo lắng nhưng chúng tôi vẫn đồng ý để bác sĩ mổ với hy vọng mong manh rằng ông sẽ trở về. Giờ thì vui lắm, ca mổ đã thành công, 2 tháng nằm hậu phẫu, ông cũng khỏe hơn nhiều rồi!”.
NGUYỄN MUỘI
Tưởng chỉ ở bốn bức tường, với những con người được ví như "thợ mổ" chai sạn với những cảm xúc khi phải hằng ngày chứng kiến và thực hiện nhiều ca mổ. Vậy mà, trong bài viết này, tôi đã được nghe rõ những âm thanh, nhìn rõ những không gian và hiểu rõ những xúc cảm, suy nghĩ của người thầy thuốc. Bài viết đã giúp tôi có góc nhìn tương đối đầy đủ về những người như thế. Tôi thích phần kết của bài viết, như một sự kết nối, giao thoa giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Cảm ơn tác giả bài viết.
Xin BBT chuyển lời khen đến nữ phóng viên trẻ Nguyễn Muội. Bài viết hay, miêu tả được những điều "bí ẩn" sau cánh cửa phòng mổ, là điều mà phần lớn độc giả chưa được biết và rất muốn biết. Câu chuyện cũng giúp cho độc giả hiểu được, cảm thông sự vất vả của các bác sĩ và ekip mổ. Một con số khủng khiếp mà các độc giả cần phải suy nghĩ, đó là: hơn 26 nghìn ca mổ trong 365 ngày tại BVĐK tỉnh! Và cũng có điều thắc mắc là: tại sao các anh chị BBĐ hay dùng từ" vĩ thanh" ? Nó là gì? Khó hiểu và cần phải tra tự điển. Như vậy là bất tiện, khi dùng từ mà ít người hiểu !