Mời gọi đầu tư nhưng “trên rải thảm, dưới rải đinh”
Sáng nay, 1.4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Quang cảnh buổi thảo luận sáng nay, 1.4
Cần câu trả lời cho câu chuyện “được mùa, mất giá”!
Nhiều ĐBQH nhận định, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), năm 2015 được xem là năm thành công dù có 2 chỉ tiêu chưa đạt là xuất khẩu và diện tích phủ rừng. Đây là năm tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Phương cho rằng, kết quả kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 chưa được như kỳ vọng. “Vẫn còn đó tình trạng nông sản được mùa mất giá. Nông nghiệp dù là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng còn mong manh, có thể thấy rõ khó khăn kép thời gian qua là thị trường và điều kiện tự nhiên” – ĐB Nguyễn Thanh Phương nói.
Đây cũng là trăn trở của ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng). Theo đại biểu, câu chuyện “được mùa, mất giá” kéo dài đến bao giờ, cần có câu trả lời cho dân! Cho rằng ngành nông nghiệp cần có sự đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ĐB Vũ Công Tiến nêu ra một ví dụ được cử tri phản ánh, đó là chỉ có 60% sinh viên các trường nông nghiệp ra trường có việc làm, còn 40% thất nghiệp. “Cần sớm có chính sách để giải quyết vấn đề này để tăng nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành nông nghiệp” – ĐB Vũ Công Tiến đề nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) bày tỏ băn khoăn bởi sinh viên tốt nghiệp thường là loại khá, loại giỏi nhưng thực tế có như thế không? Theo đại biểu Hạnh, cần có giải pháp làm tốt kiểm định chất lượng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Còn ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) đề nghị các mục tiêu trong giai đoạn tới cần có thêm mục tiêu giải quyết việc làm cho sinh viên. Ông nói: “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trường nghề không có việc làm rất lớn”.
Trong khi đó, từng là lãnh đạo địa phương, ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) phân tích, trong bối cảnh hiện nay liên kết vùng sẽ tạo ra lợi thế, sức cạnh tranh mới, nâng cao hiệu quả đầu tư khi hội nhập. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, cuộc đua 63 tỉnh, thành như 63 quốc gia khiến nguồn lực bị dàn trải. “Chúng ta có quy hoạch liên kết vùng nhưng không ai thực hiện, vì không có ai chỉ huy. Đây là vấn đề cần sớm được giải quyết” – ĐB Võ Kim Cự kiến nghị. Lo lạm phát trở lại
Nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến vấn đề nợ công. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng nợ công đã ở mức báo động cao. Trung bình mỗi năm nợ công tăng 2% GDP, riêng năm 2015 tăng tới 4% GDP. Nợ công đang bào mòn ngân sách vì đã đến hạn trả nợ. Vì thế, thời gian tới cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nợ công, xây dựng cơ chế quản lý nợ công hiệu quả hơn.
Cũng băn khoăn về nợ công, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định, hiện Nhà nước đang thành đối tượng cạnh tranh với doanh nghiệp trong huy động vốn. Chính phủ cần giải thích rõ hơn cho cử tri.
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân. Theo đại biểu, lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại và có thể tăng cao trong năm 2016. Vì vậy, việc điều chỉnh giá những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu... cần thận trọng, vì nếu điều chỉnh dồn dập sẽ gây “lạm phát tâm lý”. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt vốn vay ODA, chỉ ưu tiên cho những dự án “cấp thiết” chứ không phải “cần thiết”. Cải cách hành chính theo hướng tinh gọn bộ máy, nên có bộ phận hỗ trợ dịch vụ công miễn phí cho người dân và doanh nghiệp. Mời gọi đầu tư nhưng “trên rải thảm, dưới rải đinh” Quan tâm đến bộ máy thừa hành công vụ, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng môi trường xã hội bị làm xấu xí bởi những người thừa hành công vụ tham lam, gây méo mó chính sách của Đảng và nhà nước. Chúng ta tha thiết tạo lập môi trường cho các nhà đầu tư nhưng chính sách tốt đẹp này đã bị cách hành xử xấu xí làm rào cản, vô hiệu hóa. “Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện cắt nước, dựng rào chắn cổng. Một số người thi hành công vụ đã vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng” - ĐB Lê Như Tiến nói. Ông cũng nhắc lại, vì những sự thật chua chát này mà trong thảo luận kinh tế xã hội ở tổ tại kỳ họp này, đã có đại biểu thốt lên: “Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim”.
Dùng cách ví von để chuyển tải thông điệp, ĐB Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta mời gọi các nhà đầu tư, nhưng trên rải thảm dưới rải đinh. Các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”. Thực tế này xảy ra là do nhiều người thi hành công vụ chưa xem mình là công bộc của dân. Theo ĐB Lê Như Tiến, một khi cơ chế “xin – cho” còn đất sống thì dân còn bị nhũng nhiễu. Vì đã xin thì phải có cái gì đó cho mới xin được. “Cái gì cũng chạy. Chạy chức chạy quyền, chạy cả luân chuyển, chạy ai, ai chạy?” – ĐB Lê Như Tiến nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu mới đây và kiến nghị: “Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến không cần phải chạy!”.
Cũng tâm tư về vấn đề này, ĐB Vũ Công Tiến cho rằng bộ máy quản lý hiện quá cồng kềnh, hàng năm ngốn cả triệu tỷ đồng. Ông tâm đắc với việc gần đây tỉnh Quảng Ninh thí điểm mô hình nhất thể hóa để Đảng “hóa thân” làm nhiệm vụ. “Nhưng 1 tỉnh, 1 cách làm thì sẽ khó thành công mà cần làm trên cả hệ thống. Cần có tổng kết, đánh giá đúng mức để cải cách bộ máy. Một số trường hợp cán bộ phải đưa về làm dân để gần dân, sát dân hơn trước khi đưa đi làm cán bộ ở vị trí cao hơn” – ĐB Vũ Công Tiến hiến kế.
Quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng phải coi đây là giải pháp hàng đầu, nhiệm vụ đặc biệt để góp phần vào phát triển sự hưng thịnh của quốc gia trong giai đoạn tới. Theo đại biểu, trong các giải pháp đề ra cho giai đoạn 2016-2020 Chính phủ chỉ tập trung đẩy mạnh, chú trọng phòng, chống tham nhũng thì chưa tích cực, chưa đúng tầm. Hiện nay tham nhũng đã diễn biến tinh vi hơn, không còn chỉ tham nhũng kinh tế mà còn tham nhũng chính sách, tham nhũng cán bộ. “Đáng nguy hiểm cho quốc gia khi tham nhũng trở thành bình thường, thành thông lệ” – ĐB Bùi Mạnh Hùng chua xót.
ĐBQH mổ xẻ vấn đề thực phẩm “bẩn”
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng nay, 1.4, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã có bài phát biểu đáng chú ý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề đang được dư luận và người dân hết sức quan tâm, bởi thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây lên mức báo động cao, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài.
Theo ĐB Lê Thị Nga, bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia.... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy. Nếu chúng ta không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân (một quyền phát sinh từ quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe con người theo Hiến pháp), không có một nền nông nghiệp sạch và chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập.
Về hành lang pháp lý quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, ĐB Lê Thị Nga cho biết hiện nay hệ thống pháp luật điều chỉnh về an toàn thực phẩm gồm có: Luật trực tiếp là Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 38/CP năm 2012. Các luật chuyên ngành liên quan: Luật hóa chất, Luật thú y, Luật Thủy sản, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh về quản lý thị trường. Về chế tài có: Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật dân sự...
“Có thể khẳng định hành lang pháp lý cho an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ. So với pháp lệnh trước đây thì trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành đã được phân định rất rõ ràng trong đó có: trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm chủ trì của Bộ Y tế, trách nhiệm của Bộ NNN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ TT-TT, Bộ GD-ĐT, của UBND các cấp...” – ĐB Lê Thị Nga nói. ĐB Nga còn bày tỏ băn khoăn: pháp lý đã đầy đủ, nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều? Đại biểu cũng lý giải rằng, nguyên nhân bao trùm là việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém. Năm 2009, trước khi ban hành Luật an toàn thực phẩm, Quốc hội khóa XII đã giám sát tối cao, chỉ ra 6 tồn tại yếu kém, 11 nguyên nhân chủ quan, 5 nguyên nhân khách quan. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua gần 6 năm thi hành luật, 7 năm thi hành nghị quyết, tổ chức bộ máy, các điều kiện cho công tác này đã được kiện toàn đáng kể, nhưng còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan cho đến nay vẫn chưa được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.
Cụ thể, theo ĐB Lê Thị Nga, quản lý yếu kém tại nhiều ngành, nhiều cấp dưới các dạng: không thực thi đầy đủ nhiệm vụ; buông lỏng quản lý; cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm nhưng lại không bị phát hiện, xử lý. Sự chia cắt và thiếu phối hợp trong quản lý dẫn đến: khi có vụ việc xảy ra, ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm. Đơn cử: Salbutamol - chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ NNN-PTNT cấm nhập, nhưng được Bộ Y tế cho phép nhập. Với số lượng lớn (hơn 9 tấn trong 2 năm), sau khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này, hiện chưa ai trả lời được có bao nhiêu tấn được dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu bị sử dụng sai mục đích, tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc? ĐB Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ có liên quan làm rõ để trả lời công luận và báo cáo Quốc hội.
Mặt khác, theo ĐB Lê Thị Nga, chế tài hành chính hiện đã rất nặng, phạt tối đa tới 200 triệu đồng, phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm nhưng xử lý nhìn chung không nghiêm, có vụ phạt cho tồn tại, không loại trừ tiêu cực trong xử phạt. Hiếm có trường hợp xử lý hình sự. Kỷ luật công vụ lỏng lẻo: các vụ ngộ độc, buôn bán chất cấm, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn vừa qua liên tiếp được báo chí phanh phui, nhưng việc quy trách nhiệm cho công chức quản lý, chí ít cũng về hành vi “thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ” hiếm khi được thực hiện. Thậm chí đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm trong lĩnh vực này từ trung ương đến địa phương hàng năm đều được đánh giá là “hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Về trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, ĐB Lê Thị Nga cho rằng không ít người hoặc do thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng; vô cảm, thậm chí tàn ác khi trục lợi trên sự sống, chết của đồng bào mình. Đạo đức xuống cấp và pháp luật không nghiêm đã dung dưỡng cho họ.
Về giám sát của Quốc hội, ĐB Lê Thị Nga cho rằng nhiệm kỳ khóa XIII chưa tổ chức một cuộc giám sát tối cao hoặc tái giám sát của Quốc hội, giám sát của UBTVQH hay một phiên giải trình của ủy ban chuyên môn riêng về nội dung này, mới chỉ có chất vấn hoặc phát biểu riêng lẻ của các đại biểu Quốc hội. Người hỏi cũng chẳng có điều kiện để kiểm chứng các thông tin được trả lời. Ví dụ: Bộ trưởng nói: chỉ có 1% thủy sản, 10% rau và 7,6% thịt có dư lượng chất cấm, kháng sinh. Cử tri cho rằng chưa phản ánh đúng thực trạng nhưng không có cơ quan nào giúp đại biểu để đánh giá độc lập. Bộ trưởng nói: “Lực lượng mỏng, phương tiện yếu, kinh phí thiếu”. Đại biểu không kiểm chứng được và không lý giải được tại sao công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, máy móc kỹ thuật ngày càng được đầu tư hiện đại mà người ngày càng thiếu, phương tiện ngày càng yếu. “Tôi cho rằng, trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, phương thức giám sát như vừa qua là chưa phát huy được sức mạnh của toàn thể Quốc hội để góp phần cùng Chính phủ chặn đứng tình hình” – ĐB Lê Thị Nga trăn trở.
ĐB Lê Thị Nga kiến nghị 3 giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Thứ nhất, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm ngay tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Trước mắt, cần yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện đúng 10 nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 34/2009.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ tổ chức ngay một phiên họp chuyên đề trong tháng tới để đánh giá chính xác thực trạng, mức độ mất an toàn thực phẩm hiện nay và có giải pháp chặn đứng tình hình.
Thứ ba, để chuẩn bị áp dụng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự mới với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng, phạt tù cao nhất là 20 năm, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nên để vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa các vi phạm hành chính.
Theo HÀM YÊN (SGGP)