Gỡ khó cho nông sản!
Những ngày vừa qua, thông tin nông dân nơi này nơi kia “trúng mùa, được giá” khi thu hoạch các loại cây trồng như dưa, ớt được các phương tiện truyền thông đưa lên dường như không mấy được dư luận nhiệt tình quan tâm. Dư luận có cái lý của họ khi chuyện nay được mai mất, mùa này trúng mùa sau thất là câu chuyện… kinh niên ở xứ mình đã nhiều năm qua. Không nói đâu xa, mới đôi ba năm trước tiêu, cao su là giấc mơ hốt bạc, làm giàu của biết bao nhiêu người nhưng bây giờ đang là gánh nặng nợ nần và nỗi lo của không ít người, kể cả các đại gia, khi thị trường lao dốc không phanh.
Thế mới biết làm nông nghiệp cũng giống như một sự đánh cược đầy may rủi, không chỉ với thời tiết, khí hậu mà còn cả với thị trường nữa. Và những năm gần đây thì thị trường mới là vấn đề đáng lo nhất. Không quan tâm, lo lắng sao được khi nông dân hoàn toàn không chủ động được đầu ra, trồng thì cứ trồng nhưng không thể biết sẽ bán được với giá nào và bán cho ai, ở đâu? Vì vậy, tình trạng “vui chẳng tày gang” cứ diễn ra hoài và phổ biến vẫn là lo nhiều hơn vui(!).
Trước tình hình sản xuất đầy tính may rủi như thế, lâu nay một số địa phương và cơ quan chức năng thường khuyến cáo nông dân nên thận trọng lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, có thị trường đầu ra ổn định, rồi nên chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng… Tuy nhiên, khi bà con nông dân đề nghị khuyến cáo một cách cụ thể hơn thì địa phương và ngành chức năng đều… “bó tay” chào thua. Vì tình trạng “được mùa, mất giá” không phải là chuyện cá biệt, đột xuất mà đã từng xảy ra với rất nhiều loại cây trồng khác từ hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày… khiến người nông dân không trở tay kịp và điệp khúc “trồng rồi chặt” cứ diễn đi tái lại khiến cả nông dân và ngành chức năng không biết đường nào mà ứng phó thì là sao mà lựa chọn được.
Sự may rủi trong sản xuất nông nghiệp nói trên là hệ quả tất yếu khi ngành nông nghiệp cả nước chưa có một giải pháp bền vững cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Các vấn đề cơ bản của sản xuất nông nghiệp hàng hóa như quy hoạch vùng sản xuất tập trung, sản xuất công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà, gắn sản xuất với chế biến, sản xuất với thị trường… là những vấn đề cốt lõi chưa được đầu tư đúng mức để chủ động được đầu ra của nông sản.
Vì vậy, để gỡ khó cho nông dân trong việc giải bài toán đầu ra cho nông sản, thay vì loay hoay không biết khuyến cáo người dân giảm diện tích trồng cây gì, chuyển sang canh tác cây nào, các địa phương và ngành chức năng cần chủ động nghiên cứu, tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mời gọi các nhà đầu tư tham gia cả khâu sản xuất lẫn khâu tiêu thụ, chế biến sản phẩm… Việc giải quyết tốt bài toán sản xuất - thị trường đầu ra cho nông sản cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán lao động - việc làm hiện vẫn đang “bí” lời giải ở các vùng nông thôn của nước ta. Đồng thời tạo ra động lực mạnh mẽ để đưa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế.
H.Đ