Đã triệt được nguồn nhập khẩu chất cấm trong chăn nuôi
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định đã triệt được nguồn nhập khẩu chất cấm vào trong nước, các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít sử dụng.
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được các đại biểu đặt ra rất bức xúc. Trả lời về vấn đề này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chính phủ và các Bộ, ngành nhận thức rất rõ yêu cầu của người dân.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, các Bộ ngành đang tập trung vào 2 hướng: Thứ nhất là tập trung kiểm soát sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh. Vừa qua đã chọn tập trung vào xử lý chất cấm mà dư luận đang bức xúc, bước đầu đã khá thành công và đã giảm mạnh việc sử dụng. Ít nhất là đã triệt được nguồn nhập khẩu vào trong nước, các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít sử dụng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát tại nghị trường Quốc hội
Hiện chỉ còn một số trang trại và hộ chăn nuôi lẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục cùng với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an xử lý tiếp và bắt tay vào chấn chỉnh việc sử dụng kháng sinh và buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật.
Thứ hai là đẩy mạnh hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thông báo cho nhân dân biết.
“Trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%; số mẫu thịt có dư lượng hóa chất kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Như vậy, đa số thực phẩm là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn. Chúng tôi đang chỉ đạo để làm sao giúp cho nhân dân biết được và yên tâm để tiêu dùng và phải tiếp tục ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm không an toàn’ – ông Cao Đức Phát khẳng định.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng dẫn lại lời Phó Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc là: “Anh có thể thay mặt cho Chính phủ báo cáo với Quốc hội rằng, Chính phủ cam kết sẽ phối hợp nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng cải thiện tình hình đáp ứng mong đợi của nhân dân”.
Trước đó, tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng bày tỏ lo lắng trước thực trạng “thực phẩm bẩn” tràn lan. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị: “Thực trạng vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao trong những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam. Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trên trong thời gian tới”.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói: “Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy.
Đại biểu Lê Như Tiến phát biểu: “Cử tri rất lo lắng về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người hàng ngày thay vì bổ sung dinh dưỡng, thì lại bổ sung độc tố cho chính cơ thể mình”.
Theo Lại Thìn (VOV)