Giá gạo tăng do hoạt động đầu cơ
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu ba tháng đầu năm 2016 khoảng 1,59 triệu tấn, đạt giá trị 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Thị trường trong nước tháng 3, giá nhiều mặt hàng nông sản chính đang diễn biến theo xu hướng tăng. Cụ thể, giá lúa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa khô tại kho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.400 - 5.500 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.650 - 6.750 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.500 - 6.600 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.550 - 7.650 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.400 - 7.500 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.300 - 7.400 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Như vậy, giá lúa hiện nay đã cao hơn 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 2 và hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 1-2016.
Gạo đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển lên tàu để xuất khẩu. Ảnh: Thái Bằng (SGGP)
Giá lúa gạo tăng mạnh giúp bà con bù đắp phần nào thiệt hại do hạn mặn gây ra, nhưng với không ít doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp (DN) đã ký hợp đồng thương mại khi giá còn thấp, nay để thực hiện hợp đồng với giá khá cao thì đứng ngồi không yên. Với DN có chân hàng, ký và giao ngay thì tạm ổn, nhưng số này không nhiều. Giải thích về giá lúa gạo tăng mạnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Tiến (Công ty cổ phần Angimex - An Giang) cho rằng, nhu cầu giao dịch thương mại trên thị trường hiện chưa nhiều, mà giá lúa gạo tăng mạnh thời gian qua là do tác động yếu tố tâm lý về hạn mặn và do hoạt động đầu cơ. May là hai nước Philippines và Indonesia chưa có thêm hợp đồng mới theo diện chính phủ, nếu có thêm nhiều hợp đồng xuất, không biết giá sẽ còn tăng cao như thế nào.
Với tình hình này, doanh nghiệp phải tăng giá bán các loại gạo cho khách hàng nước ngoài lên khoảng 5 - 10USD/tấn. So với đối thủ cạnh tranh chính, giá gạo Việt Nam đang cao hơn gạo Thái Lan từ 10 - 15 USD/tấn. Theo VFA, dù xuất khẩu gạo có những tín hiệu khả quan trong quý 1-2016, tuy nhiên so với mặt bằng chung, gạo Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán so với các nước.
Theo Đăng Lãm (SGGP)