NSƯT Vương Đạo: “Tôi không cho phép mình diễn hời hợt”
Rất nhiều khán giả đã từng xem Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định biểu diễn, đều khó quên một người nhỏ con, khuôn mặt hiền hậu, chất phác trong các vai nông dân, hề… Đó là NSƯT Vương Đạo, một diễn viên đa năng đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật bài chòi.
Ươm mầm bài chòi từ gia đình
Tuổi thơ gắn liền với vùng quê xã Ân Hảo Tây, Hoài Ân - mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt là dân ca bài chòi nên cậu bé Huỳnh Ngọc Đạo (tên thật của NSƯT Vương Đạo) được tiếp xúc với bài chòi từ rất sớm. Ba anh là ông Huỳnh Ngọc Tâm, có giọng hô bài chòi rất hay. Đem tình yêu nghệ thuật hòa chung với tình yêu Tổ quốc, ông đã dùng lời ca tiếng hát của mình để hoạt động cách mạng. Một lần, sau khi biểu diễn trong lòng địch và thu thập được một số thông tin, trên đường lên căn cứ cách mạng để báo lại, ông đã bị địch bắn và hi sinh. Khi đó, cậu bé Ngọc Đạo mới chỉ có 4 tuổi. Qua lời kể của mẹ về ba, tình yêu bài chòi trong anh đã ngày càng được bồi đắp…
Nhân vật Đặng Khổ xấu xa, chuyên nịnh nọt trong vở “Cuộc đời tôi” là một trong những vai diễn thành công của NSƯT Vương Đạo. Ảnh: HOÀI THU
Với niềm đam mê và năng khiếu ca hát, Ngọc Đạo luôn là cây văn nghệ năng nổ của trường suốt nhiều năm liền. Cái duyên chính thức đến với nghiệp bài chòi là năm anh học lớp 11. Khi nghe một người bạn cho biết Trường Trung học VHNT tỉnh có mở lớp, không chút do dự, anh đã tham gia và trúng tuyển vào lớp Dân ca Bài chòi khóa I (1978 - 1981). Tại đây, anh đã được các thầy Hoàng Lê, Trần Chức, Cung Nghinh, Nguyễn Kiểm…tận tình dìu dắt. Nhờ ham học hỏi, khả năng tiếp thu nhanh kiến thức và kỹ năng biểu diễn, khi ra trường anh đã được đánh giá là một diễn viên trẻ có nhiều tiềm năng, được tuyển chọn về công tác tại Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định và gắn bó cho đến nay. Với tấm lòng chân thành, lối sống giản dị, mong cầu tiến bộ nên anh đã được bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ, tiếp sức hết mình. Tất cả là nguồn động lực to lớn giúp anh vượt qua khó khăn của người diễn viên mới vào nghề.
Diễn tốt vai chính diện lẫn phản diện
Vương Đạo đã khẳng định được tài năng của mình khi vào các vai thể hiện sự mộc mạc đúng như bản chất con người anh. Trong đó nổi bật nhất có lẽ là vai chàng đánh dậm trong vở “Đồng tiền Vạn Lịch”. Với dáng vẻ nông dân hiền lành, thật thà cùng giọng nói ấm nồng, hồn hậu và lối diễn xuất tự nhiên, ngây ngô rất đáng yêu, anh đã chinh phục được khán giả mộ bài chòi khắp trong và ngoài tỉnh. Vai diễn ấn tượng đến mức, khán giả nói “chàng đánh dậm trong vai Vương Đạo” thay vì “Vương Đạo trong vai chàng đánh dậm”. Chính vai diễn hết sức thành công này đã mang về cho diễn viên Vương Đạo tấm HCB tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Đây là động lực để anh tiếp tục phấn đấu với nhiều vai diễn hay khác, để gặt hái thêm HCB vai Trần Khắc Chung trong vở “Huyền Trân công chúa” tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Tình yêu nghệ thuật bài chòi của NSƯT Vương Đạo giờ lại tiếp tục được anh truyền sang cho cô con gái Huỳnh Thụy Nhị Hảo. Cô vì muốn nối nghiệp cha mà đã sẵn sàng từ bỏ chuyên ngành Tài chính đang học, để theo lớp Trung cấp Dân ca Bài chòi khóa 6 tại Trường Trung học VHNT tỉnh.
Không chỉ sở trường với các vai nông dân chân chất, anh còn mạnh dạn thử sức với các vai như: lão, hề, nịnh, chiến sĩ biệt động và cả những tên giặc ác ôn. Điều đặc biệt là ở các dạng vai như đối lập nhau, anh đều để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Từ một kẻ xấu xa, chuyên nịnh hót Đặng Khổ trong vở “Cuộc đời tôi” đến chàng chiến sĩ tình báo giả dạng dưới vỏ bọc công tử ăn chơi Dũng mô tô bay để hoạt động nằm vùng trong vở “Hương thầm” (HCB tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998); từ người chiến sĩ dũng cảm Thế Anh trong vở “Điều không thể mất” đến tên chỉ huy đầu sỏ thiếu tá Sửu mưu mô, thâm hiểm, tìm mọi cách đàn áp cách mạng trong vở “Huyền thoại về tiếng hát” (HCB Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011)…Đặc biệt, Vương Đạo còn xuất sắc với vai Cu Văn Hề trong vở “Hoàng đế thợ gia”. Người xem ái mộ anh trong vai đó đến mức viết bốn chữ “cây cười Ngọc Đạo” trên lên băng rôn mỗi khi Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định biểu diễn vở này.
Lòng say mê, nhiệt huyết với nghệ thuật bài chòi cùng sự nỗ lực vượt khó, dày công khổ luyện, tinh thần nghiêm túc với nghề và hăng say sáng tạo đã giúp Vương Đạo khẳng định tên tuổi của mình trong mắt giới chuyên môn và sự yêu mến của khán giả. Những năm gần đây, dù tuổi tác không còn trẻ, nhưng diễn viên Vương Đạo vẫn luôn nhiệt tình cống hiến hết mình cho các vai diễn, dù có khi chỉ là những vai diễn phụ...
Hơn 30 năm lao động nghệ thuật không mệt mỏi với nhiều cống hiến, diễn viên Vương Đạo năm 2015 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ ưu tú. Anh xúc động chia sẻ: “Đối với tôi, dù vai lớn hay vai nhỏ, chính hay phụ cũng đều là những mảnh ghép không thể thiếu cho sự thành công của một vở diễn. Ý thức được điều này nên khi đã nhận vai, tôi không cho phép mình diễn hời hợt, diễn cho có lệ. Tôi đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật để hiểu tâm lý, tính cách con người đó, diễn mới sâu sắc, mới sống cùng vai diễn và trong lòng người xem được”.
HOA MỘC LAN