Cựu VĐV marathon Trần Sĩ Tân: “Ý chí quyết tâm giúp tôi vượt qua mọi khó khăn”
Là VĐV Bình Định đầu tiên tham gia một giải marathon mang tầm quốc gia, VĐV Trần Sĩ Tân đã trải qua nhiều thời khắc khó khăn trong sự nghiệp, nhưng đến nay, đó vẫn là những ký ức đẹp mà mỗi khi nhắc lại ông vẫn không khỏi tự hào.
Nỗ lực tột cùng trong tập luyện
Được phát hiện có tố chất phù hợp với môn điền kinh, Trần Sĩ Tân (quê Hoài Tân, Hoài Nhơn) sớm được chọn vào đội tuyển huyện để thi đấu tại các giải điền kinh toàn tỉnh. Năm 1987, VĐV này đã đem về tấm HCĐ cho xứ Dừa ở cự ly chạy 7km. Chỉ một năm sau, khi vừa tròn 18 tuổi, anh xuất sắc đổi màu tấm huy chương sang màu vàng. Thành tích nổi bật của Trần Sĩ Tân khiến Ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Bình Định không thể ngó lơ, vậy là anh được vào ăn cơm tuyển từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Anh Trần Sĩ Tân cùng tấm bằng chứng nhận thành tích ở giải marathon TP Hồ Chí Minh năm 1992.
Sở trường ở các cự ly dài, lại được đánh giá có tố chất đặc biệt, nên Trần Sĩ Tân là VĐV Bình Định duy nhất được chọn tham gia giải marathon đầu tiên tổ chức tại TP Hồ Chí Minh năm 1992. Dù vậy, anh chỉ có đúng một tháng để chuẩn bị tập luyện tham dự một trong những nội dung thi đấu khắc nghiệt nhất. “Khi đó cô Hồ Thị Từ Tâm (người sau này có thời gian làm HLV trưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam - NV) cho tôi bài tập chạy từ sân vận động Quy Nhơn đến thị trấn Bình Định rồi quay về. Cũng có ngày tôi chạy quanh thành phố Quy Nhơn. Có lúc cô hoặc thầy chạy xe máy theo cùng, có khi một vài VĐV khác chạy theo, nhưng chỉ chừng 10km thì họ quay về, đôi khi tôi một mình “nuốt” cả chặng đường, nhưng chưa bao giờ nản chí” - cựu VĐV Trần Sĩ Tân kể.
6 giờ sáng bắt đầu xuất phát, đến hơn 9 giờ sáng mới về lại nơi tập trung, cơ thể rã rời, Trần Sĩ Tân hầu như chỉ biết uống nước rồi… nghỉ đến chiều chứ không thể nuốt nổi miếng cơm. Nhưng điều khắc nghiệt nhất chưa nằm ở đó. Do chuẩn bị cho giải đấu lần đầu tiên, thông tin khi đó còn hạn chế, nên ngay cả Ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Bình Định cũng không biết khi vào giải VĐV có được uống nước trên đường chạy hay không. Vì vậy, để tránh… phạm quy, họ chọn giải pháp không cho VĐV uống nước khi tập luyện. Sau một số buổi tập, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu quá tải, đến một ngày, sau khi hoàn thành buổi tập, Trần Sĩ Tân xuất hiện hiện tượng tiểu ra máu khiến Ban huấn luyện hết sức lo lắng. Dẫu vậy, sau khi được chẩn đoán tình trạng trên do cơ thể mất nước quá nhiều và điều trị tại bệnh viện, anh lại tiếp tục với đường chạy.
“Có chết cũng chạy”
Tập luyện ở nội dung thi đấu đòi hỏi nhiều về sức bền và độ dẻo dai, nên Trần Sĩ Tân được ăn chế độ nhỉnh hơn VĐV ở các môn khác. Nhưng điều khiến anh nhớ nhất chính là những bữa sáng, với một bát mì tôm và hai quả trứng gà do chính cô Hồ Thị Từ Tâm lấy từ trong ổ trứng nhà mình (khi đó ở trong khuôn viên sân vận động Quy Nhơn - NV). Ngoài ra, trái cam mà cô Tâm đưa cho sau khi anh hoàn thành bài tập cũng được Trần Sĩ Tân ấn tượng và cho rằng “ngon không gì bằng”. Những ai không uống giọt nước nào trong suốt quãng đường chạy bộ hơn 42km chắc cũng có chung cảm nhận như vậy.
Đến ngày tranh tài, Trần Sĩ Tân tự đặt cho mình mục tiêu khá đơn giản: “Chạy về đến đích để trở thành VĐV Bình Định đầu tiên hoàn thành cự ly marathon”. Trước khi thi đấu, anh còn phải ký vào một bản cam kết với nội dung nôm na là “có chết trên đường chạy cũng không kiện tụng gì”. Nhưng kết quả của anh tốt hơn mong đợi rất nhiều, khi về đích thứ 6 trong số những VĐV Việt Nam dự giải (thành tích 3 giờ 9 phút 55 giây), được nhận 100 USD tiền thưởng. Một phần có lẽ nhờ anh… được uống nước trong suốt quá trình chạy, vì Ban Tổ chức đã chuẩn bị sẵn các trạm tiếp nước dọc đường. Nhưng sau khi về đích, nửa dưới người Trần Sĩ Tân bị cứng đờ, tưởng mình “sắp chết đến nơi”, anh tranh thủ “trăn trối” vài lời với HLV, khiến bà Tâm hoảng hốt gọi xe cấp cứu chở thẳng anh đến bệnh viện. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ được truyền nước, thở ô xy, VĐV xứ Dừa mới hồi tỉnh.
Giải nghệ từ năm 1998, bươn chải nhiều nghề để mưu sinh, cuộc sống của Trần Sĩ Tân hiện nay tương đối ổn định với công việc thầu xây dựng những công trình nho nhỏ và kinh doanh quán cà phê ở vườn nhà. Khi đã đỡ bớt nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, niềm đam mê thể thao trở lại với anh, khi quyết định “gắn duyên” với môn xe đạp từ năm 2014, thi thoảng lại tham gia các giải đấu để tìm lại cảm giác chinh phục đường chạy của ngày xưa. Ý chí tập luyện và thi đấu của anh vẫn được các HLV điền kinh Bình Định kể lại như một lời nhắc nhở đối với các thế hệ VĐV sau này. Đó cũng là niềm tự hào của VĐV marathon Bình Định đầu tiên tham gia một giải đấu lớn mang tầm quốc gia.
LÊ CƯỜNG