Tai biến tiêm chủng sẽ được bồi thường
Khi sử dụng vắc-xin bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng được xác định có nguyên nhân do vắc-xin thì nhà nước sẽ bồi thường.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết dự thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng đang được lấy ý kiến của giới chuyên môn cùng người dân và sẽ hoàn thành trong năm 2016. Ngoài các quy định chung về hoạt động tiêm chủng, quản lý hoạt động tiêm chủng…, dự thảo dành hẳn một chương quy định về việc bồi thường khi sử dụng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nếu xảy ra tai biến trong quá trình tiêm chủng vắc-xin bắt buộc, người dân sẽ được bồi thường. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Nâng cao trách nhiệm người tiêm chủng
Đây là lần đầu tiên việc bồi thường tai biến sau tiêm chủng vắc-xin được quy định cụ thể. Theo đó, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến hoặc thân nhân của họ. Những trường hợp được bồi thường gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến khuyết tật; tử vong.
Quy định nêu trên được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là rất nhân văn bởi vừa bảo đảm hỗ trợ, bồi thường phần nào cho những người, gia đình người bị thiệt hại (gặp tai biến) do tiêm chủng bắt buộc vừa nâng cao trách nhiệm của người làm công tác tiêm chủng. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại khó thực hiện bởi các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải xác định nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc-xin mới được bồi thường.
Theo giới chuyên môn, sau 30 năm thực hiện, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại những kết quả rất lớn trong phòng chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều ca tai biến, tử vong nhưng số trường hợp được bồi thường là rất hiếm. Năm 2015, Hội đồng Đánh giá tai biến vắc-xin của Bộ Y tế đánh giá có 3.000 trẻ có phản ứng sau tiêm vắc-xin, 32 trường hợp phản ứng nặng (trong đó có 16 trường hợp tử vong). Trong số các ca tử vong có 31% là ngẫu nhiên, không rõ nguyên nhân và do cơ địa của trẻ.
Đánh giá công tâm
Cho rằng việc xác định nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng đối với trường hợp trẻ sơ sinh là rất khó nhưng ông Trần Đắc Phu khẳng định việc đánh giá sẽ được hội đồng chuyên môn thực hiện rất công tâm, rõ ràng và có trách nhiệm.
“Chẩn đoán lâm sàng chỉ có thể phát hiện được 40% bệnh lý, còn lại phải trông chờ vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Đó là chưa kể trình độ nhân viên y tế mỗi nơi mỗi khác. Nhất là với y tế tuyến xã, phường chỉ với chiếc ống nghe thì không dễ phát hiện được hết các bệnh tiềm ẩn của trẻ. Do vậy, những trường hợp trẻ tử vong không rõ nguyên nhân cũng sẽ được cân nhắc trong việc bồi thường” - ông Phu giải thích.
Theo nhiều bác sĩ, với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, không ai có thể biết được bệnh tiềm ẩn như viêm phổi, tim bẩm sinh, bệnh về máu… bằng mắt thường, khám sàng lọc cũng chưa chắc phát hiện được. Khi kháng nguyên của vắc-xin được đưa vào cơ thể có thể sẽ gây phản ứng quá mẫn. Trong trường hợp này, việc có được bồi thường hay không sẽ do hội đồng chuyên môn căn cứ vào các quy định.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nhìn nhận việc đền bù như đã nêu là hoàn toàn nhân văn. Sau tai biến tiêm chủng sẽ có hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân để quy trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, với hàng chục triệu mũi tiêm chủng mỗi năm và nguy cơ tai biến có thể đến bất kỳ lúc nào, nên có loại bảo hiểm theo hình thức bảo hiểm nghề nghiệp cho nhân viên y tế.
Hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm
Theo ông Trần Đắc Phu, dự thảo nghị định được xây dựng theo hướng khi xảy ra tai biến do tiêm chủng bắt buộc, nhà nước sẽ bồi thường. Sau khi có kết quả giám định của hội đồng tư vấn chuyên môn, nếu lỗi do vắc-xin thì nhà cung cấp vắc-xin phải bồi hoàn cho nhà nước, do tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng bồi hoàn.
Việc kết luận có bảo đảm khách quan hay không thì hội đồng tư vấn chuyên môn phải chịu trách nhiệm.
Theo Ngọc Dung (NLĐ)