Công nghiệp tăng chậm, nông nghiệp gặp khó khăn kép
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế quý I/2016 có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt mức tăng 5,46% (quý I/2015 tăng 6,12%). Các chỉ số kinh tế tăng chậm ở hầu hết các lĩnh vực công nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản; xuất khẩu... Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất là về tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp và công nghiệp có dấu hiệu chững lại.
Cơ sở thu mua ớt để xuất khẩu tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang.
Dấu hiệu chững lại
Tình hình kinh tế quý I cảnh báo một một số diễn biến bất lợi. Trước hết, nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn kép, thậm chí còn lớn hơn 2015 do thời tiết khắc nghiệt và sức tiêu thụ giảm. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm chỉ đạt 98,77% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong đó tuy ngành nông nghệp và thủy sản có mức tăng trưởng tương ứng 6,24% và 2,12% nhưng cũng không đủ lực để kéo toàn bộ ngành khỏi mức tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm mạnh 2,69%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rét hại và băng giá tại các tỉnh phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm giảm giá trị sản xuất khu vực này...
Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai làm 13,5 nghìn ha lúa, 7,3 nghìn ha hoa màu, 1,5 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, 76,5 nghìn con gia súc, 7,5 nghìn con gia cầm, hơn 720 tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tác động hạn mặn đã làm cho 230 nghìn ha đất trồng lúa phải dừng sản xuất.
Khó khăn kép đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở cả thị trường trong và ngoài nước, nhất là giá xuất khẩu cà phê, chè, hạt tiêu, sắn, cao su... giảm sâu. Đây là điều cảnh báo khả năng giá trị tăng thêm của nông lâm nghiệp và thủy sản năm nay sẽ là năm thứ 2 tăng thấp (năm trước chỉ tăng 2,4%).
Ngoài yếu tố nông nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cũng tăng chậm lại, chỉ tăng 6,3%, đây là mức tăng thấp hơn nhiều so mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm 2015. Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương Vũ Bá Phú, sản xuất công nghiệp tăng chậm là do khai thác dầu thô giảm vì giá dầu xuống thấp, phải hạn chế sản lượng khai thác, đóng cửa một số mỏ.
Đáng lưu ý, điện sản xuất cung cấp cho ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9,12%, thấp hơn mức tăng 17,9% cùng kỳ năm 2015 là những dấu hiệu cho thấy sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. “Đây là những yếu tố cần quan tâm để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phù hợp”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Nổi bật trong nhóm các ngành có tốc độ tăng trưởng cao là ngành xây dựng. Cụ thể, ngành xây dựng 3 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,94% cao nhất kể từ năm 2010 trở lại. Về diễn biến tăng trưởng đột phá của ngành xây dựng, theo các chuyên gia kinh tế, đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên ngành xây dựng đóng tỉ trọng không nhiều trong GDP của Việt Nam. Tỉ trọng đóng góp lớn nhất thuộc về ngành dịch vụ, sau đó là công nghiệp và nông nghiệp. Khu vực dịch vụ, giá trị tăng thêm tăng 6,13% so cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ quý I năm 2012 tới nay.
Tận dụng cơ hội từ giá dầu giảm
Theo các chuyên gia kinh tế, các quý còn lại của năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là những dự báo kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khả năng phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết thất thường không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Giá dầu thô biến động khó lường...
Nhưng nhìn nhận khách quan, nền kinh tế vẫn có những dấu hiệu khả quan. Gần đây, giá dầu thô có xu hướng tăng trở lại, song dự báo vẫn ở mức giá thấp sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế như thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại giá dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng nói riêng và GDP nói chung, từ đó các khoản thu từ sản xuất trong nước tăng sẽ bù đắp phần thiếu hụt thu từ dầu thô. Ông Vũ Bá Phú cho rằng, giá dầu thô thế giới dự báo vẫn ở mức thấp sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, vai trò của quý đầu tiên khá quan trọng. Nếu như quý I tăng quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của cả năm. Hơn nữa đây là năm đầu tiên nước ta thực hiện kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 nên cần phải sớm tìm ra nguyên nhân và biện pháp để khắc phục khó khăn.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá: Mặc dù xây dựng đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất so với 10 năm trở lại đây nhưng vì chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế nên trước mắt vẫn phải tập trung mũi nhọn cho nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đây là các ngành then chốt, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế.
Về giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ khả quan hơn trong thời gian tới do nhóm hàng dệt may, da giày có đơn hàng ổn định. Bước vào mùa hè, nhiều sản phẩm như sản xuất điện, điện lạnh, đồ uống... mức tiêu thụ sẽ tăng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp tập trung sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Các chuyên gia dự báo, dù môi trường kinh tế vĩ mô của chúng ta rất ổn định nhưng để đạt tăng trưởng GDP cả năm là 6,7% thì nông nghiệp phải tăng 2,5%, song điều này là vô cùng khó khăn vì quý I đã bị âm. Do đó, các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp cũng phải có bước chuyển mình đáng kể thì mới có thể đạt được mức tăng trưởng như dự kiến.
Theo Thu Hường (Tin tức)