Chuyển biến mới trong điều trị các bệnh về tiêu hóa
Chiều 2.4, các bác sĩ tại BVÐK tỉnh thực hiện liên tiếp 2 ca can thiệp lấy sỏi ở ống mật chủ và cắt polyp đại tràng bằng nội soi. Ðây là những kỹ thuật lần đầu được thực hiện tại bệnh viện, đánh dấu bước chuyển biến mới trên lĩnh vực điều trị các bệnh về tiêu hóa.
Bác sĩ Võ Thành Nam Bình (thứ 2 từ trái qua) thực hiện cắt polyp đại tràng qua nội soi đại tràng.
Cách đây 3 năm, bà Hà Thị Bửu (86 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) phải cắt bỏ túi mật do thường xuyên bị sỏi mật. “Song, sức khỏe của mẹ tôi chỉ ổn định được hơn một năm rưỡi, sau đó thường xuyên xuất hiện đau bụng, sốt”, chị Trần Thị Ngọc Lan kể về tình trạng bệnh của mẹ.
Kết quả kiểm tra gần nhất cho thấy có sỏi trong ống mật chủ, bà Bửu cần được can thiệp lấy sỏi ra. Tin vui cho bà Bửu và gia đình là bà được can thiệp ngay tại BVĐK tỉnh bằng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP - Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography) - một kỹ thuật chuyên biệt dùng để quan sát hình ảnh của các ống dẫn mật, ống tụy.
Các bác sĩ dùng ống nội soi nhỏ, mềm, đầu được gắn camera, đưa qua miệng bệnh nhân xuống thực quản, dạ dày và phần đầu ruột non, nơi có lỗ của đường mật chảy xuống ruột non. Thông qua lỗ này, bác sĩ bơm thuốc cản quang, chụp hình đường mật. Hình ảnh nhìn thấy giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí, kích thước, số lượng sỏi. Từ đó tiến hành lấy sỏi, tán sỏi.
Với bệnh nhân Bửu, dải sỏi dài đến 10cm, viên lớn nhất có đường kính tới 20mm. Các viên sỏi có kích thước lớn đều được tán nhỏ, đưa xuống ruột để thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.
ÐÂY LÀ MỘT KỸ THUẬT KHÓ, PHỨC TẠP
“Có thể nói, nội soi mật tụy ngược dòng khó nhất trong các phương pháp nội soi. Nó đòi hỏi nhiều thiết bị, không chỉ là ống nội soi chuyên biệt mà còn cần màn hình tăng sáng, các dụng cụ nhỏ như dây cắt cơ vòng, nếu cần thì có cả stent… Nhà nội soi cần nắm vững các phương pháp nội soi khác như nội soi dạ dày, nội soi đại tràng… Ðể thực hiện tốt kỹ thuật phức tạp này, rất cần sự nhẫn nại, thao tác thận trọng. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với bộ phận gây mê, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, các điều dưỡng được làm quen với phương pháp này”
Bác sĩ TRỊNH ÐÌNH HỶ - chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực tiêu hóa (Pháp)
Trước ca can thiệp cho bệnh nhân Bửu, các bác sĩ còn thực hiện cắt polyp đại tràng qua nội soi đại tràng cho bệnh nhân Phạm Mai (58 tuổi, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn). Polyp đại tràng không phải là u, nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Đa số polyp là lành tính, nhưng một số có khả năng hóa thành ác tính (ung thư).
Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Võ Thành Nam Bình trực tiếp thực hiện can thiệp. Qua nội soi đại tràng, một dụng cụ giống chiếc thòng lọng (gọi là snare) tròng qua phần đáy của polyp và đốt bằng điện, giúp cầm máu ngay sau khi cắt polyp. Khối polyp được cắt ra có kích thước lớn (2x3cm).
Có mặt tại phòng can thiệp chiều 2.4, ngoài các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của BVĐK tỉnh, còn có các bác sĩ đến từ Huế và bác sĩ Trịnh Đình Hỷ - chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực tiêu hóa, từng công tác tại các bệnh viện Orléans, Beaujon, Clichy (Pháp). Năm nay 70 tuổi, nhưng bác sĩ Hỷ còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông đã thực hiện nội soi ống mềm từ năm 1975 và nội soi mật tụy ngược dòng từ năm 1980. Ông rất nhiệt tình hướng dẫn các bác sĩ của BVĐK tỉnh trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hiện can thiệp.
“BVĐK tỉnh vừa được UBND tỉnh trang bị hệ thống nội soi tiêu hóa trị giá 2 tỉ đồng. Đây là thiết bị rất quan trọng, cùng với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên giúp chúng tôi mạnh dạn triển khai các kỹ thuật mới, nỗ lực nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh về tiêu hóa, giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến, tiết kiệm nhiều công sức, tiền bạc”- bác sĩ Võ Thành Nam Bình, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, BVĐK tỉnh vui mừng cho biết.
NGUYỄN VĂN TRANG