Ðừng để khán giả quay lưng với tuồng lịch sử
Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, hầu hết các vở tuồng lịch sử của Đoàn tuồng Liên khu V- Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn) như “Trần Bình Trọng”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Lam Sơn khởi nghĩa”, “Trưng Nữ vương”, “Trần Quốc Toản”…đều là những vở diễn một thời làm nên tên tuổi của đơn vị trong các kỳ liên hoan, hội diễn. Các vở này mỗi khi đem đi lưu diễn rất được công chúng khắp nơi đón nhận và thường được diễn với “tần suất lớn”.
Điều đáng lưu tâm là những năm qua, hầu hết chương trình kịch mục của Nhà hát tuồng Đào Tấn nói riêng và các đoàn tuồng không chuyên Bình Định nói chung chủ yếu diễn các vở tuồng tiểu thuyết và thỉnh thoảng là tuồng cổ theo nhu cầu khán giả. Các vở tuồng lịch sử như “Bông Mai Đỏ” nói về người anh hùng của quê hương Bình Định Mai Xuân Thưởng; “Trời Nam”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Đêm sáng phương Nam”, “Tây Sơn tụ nghĩa”…đều đề cập đến người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với những chiến công lẫy lừng…nhưng ít khi được biểu diễn rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Hiện các vở tuồng lịch sử dù vẫn được chú trọng, đầu tư công phu, phần lớn được chọn làm tiết mục tham dự các kỳ liên hoan, hội diễn hằng năm và cũng thường giành các giải thưởng cao nhưng hiếm khi được “trưng diện” biểu diễn phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh. Thực trạng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thứ nhất, tuồng lịch sử thường được đầu tư dàn dựng hoành tránh, công phu, cần không gian sân khấu rộng với nhiều màn, lớp phù hợp với bối cảnh lịch sử của từng vở diễn. Thế nhưng, khi diễn các vở tuồng lịch sử, Nhà hát tuồng Đào Tấn và các đoàn tuồng không chuyên gặp không ít khó khăn về điều kiện sân khấu, trang thiết bị biểu diễn, lực lượng biểu diễn. Phương tiện biểu diễn không đảm bảo chất lượng, âm thanh, ánh sáng, thiết chế văn hóa tại địa phương thiếu thốn nhiều mặt, không đủ để phục vụ tốt cho diễn các vở tuồng lịch sử đảm bảo về mặt chất lượng nghệ thuật. Thêm vào đó là tâm lý chung của người dân hiện tại thường thích xem những vở tuồng tiểu thuyết mang tính giải trí, vui vẻ và mang hơi thở của cuộc sống đời thường.
Nên chăng, cần có sự quan tâm chung tay hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương và tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của những người trong cuộc trong việc đưa các vở tuồng lịch sử đến với khán giả mộ tuồng. Như vậy, các vở tuồng lịch sử mới không lãng phí sự đầu tư và phát huy được giá trị của nghệ thuật truyền thống trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay.
THỤC NƯƠNG