Quyết định 50/2012/QĐ-UBND về “chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh”:
Khắc phục những bất cập trong chính sách
Thời gian qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, song vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đặng Trung Thành, Phó giám đốc Sở TN-MT, quanh vấn đề này.
* Thưa ông, theo phản ảnh của một số chủ dự án, nhất là các doanh nghiệp (DN), thời gian qua, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập?
- Thời gian qua, công tác bồi thường, GPMB và TĐC trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện và đạt được những kết quả khả quan, song cũng còn một số tồn tại, vướng mắc. Một số dự án bị chậm trễ do chậm hoàn thành công tác bồi thường, GPMB. Việc chậm bồi thường, GPMB có nhiều nguyên nhân, chủ yếu như: việc xác định nguồn gốc đất đai rất phức tạp do hồ sơ địa chính và các giấy tờ về sử dụng đất không đầy đủ, chính sách bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước ban hành ngày càng có lợi cho người dân thì cũng tạo nên sự không công bằng giữa người bị thu hồi đất trước với người bị thu hồi sau; đơn giá bồi thường đất chưa sát với giá thị trường; đơn giá bồi thường tài sản chậm được sửa đổi cho phù hợp với thực tế… Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về pháp luật đất đai nói chung và công tác bồi thường, GPMB nói riêng vẫn còn hạn chế.
Một số quy định về chính sách bồi thường, GPMB cũng chưa thực sự sát với thực tế. Chẳng hạn, việc xử lý phần đất còn lại sau khi Nhà nước thu hồi đất, những trường hợp bị thu hồi một phần đất ở nhưng không được bố trí TĐC; việc giao đất TĐC căn cứ vào các cặp vợ chồng thực tế sống chung với chủ hộ bị thu hồi đất tạo điều kiện cho dân, nhưng cũng tạo nên sự bất công bằng giữa người bị thu hồi nhiều đất nhưng không có các cặp vợ chồng thực tế sống chung với người bị thu hồi ít đất nhưng lại có nhiều cặp vợ chồng thực tế sống chung. Một số trường hợp con cái của chủ hộ đã có nhà ở chỗ khác nhưng lợi dụng chính sách để đòi hỏi bố trí TĐC...
* Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC, tỉnh ta đã có những giải pháp nào?
- Về tổ chức, UBND tỉnh đã thành lập Ban quản lý GPMB và Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND tỉnh để thực hiện công tác bồi thường, GPMB các dự án quan trọng của tỉnh, trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN-MT) và bộ phận bồi thường, GPMB của Ban quản lý Dự án giao thông (thuộc Sở GT-VT). Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn lại tổ chức làm công tác bồi thường, GPMB.
Về chính sách, Sở TN-MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 50/2012/QĐ-UBND về “Chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh” thay thế Quyết định 02/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nhằm khắc phục những bất cập trong chính sách, đồng thời sửa đổi cho phù hợp với quy định mới của Nghị định 120/2010/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, như: Điều kiện để được bồi thường về đất; bồi thường, hỗ trợ đối với đất ở; giao đất TĐC; đơn giá đất giao đất TĐC và thu tiền sử dụng đất TĐC...
Theo đó, đối với điều kiện để được bồi thường về đất, ngoài những quy định chung, Quyết định 50/2012/QĐ-UBND quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh việc tạo lập nhà ở, đất ở do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp như: Bản trích lục địa bộ, chứng thư kiến điền, giấy cho phép tạm sử dụng đất công, chứng chỉ nghiệp chủ, chứng chỉ trạng thái bất động sản. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng nêu rõ, khi sử dụng các loại giấy tờ nêu trên phải theo nguyên tắc hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp.
Về việc giao đất TĐC, trước đây Quyết định 02/2012/QĐ-UBND quy định: ngoài lô thứ nhất giao cho chủ hộ, các cặp vợ chồng thực tế sống chung trong hộ cũng được giao đất. Quy định này có ưu điểm là tạo điều kiện cho người dân nhưng cũng tạo nên sự thiếu công bằng, dễ phát sinh tiêu cực. Vì vậy, Quyết định 50/2012/QĐ-UBND điều chỉnh lại cho phù hợp. Theo đó, UBND tỉnh quy định: Diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường nhỏ hơn hạn mức giao đất ở thì được giao 1 lô TĐC nhưng không vượt hạn mức giao đất ở. Diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường bằng hạn mức giao đất ở đến dưới 1,5 lần hạn mức giao đất ở thì được giao 1 lô TĐC nhưng không vượt diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường. Diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường bằng 1,5 lần hạn mức giao đất ở đến dưới 3 lần hạn mức giao đất ở thì được giao 2 lô TĐC nhưng không vượt diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường. Diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường từ 3 lần hạn mức giao đất ở trở lên thì được giao 3 lô TĐC nhưng không vượt 3 lần hạn mức giao đất ở.
* Còn về vấn đề đơn giá đất giao đất TĐC và thu tiền sử dụng đất TĐC?
- Quy định mới theo nguyên tắc: Diện tích TĐC bằng hoặc nhỏ hơn diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường thì thu theo giá bồi thường (đất đổi đất). Diện tích TĐC vượt diện tích đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường thì thu theo giá TĐC. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng tự lo đất để TĐC hoặc dự án không có khu TĐC thì được bồi thường đất ở theo giá thị trường (bằng giá đất ở do UBND tỉnh quy định nhân với hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh quy định).
Ngoài ra, Quyết định 50/2012/QĐ-UBND cũng sửa đổi các giá trị hỗ trợ, thưởng... cho phù hợp với mức trượt giá, như hỗ trợ di chuyển nhà ở, di chuyển tài sản và thuê nhà ở; thưởng để đẩy nhanh tiến độ GPMB...
* Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 50/2012/QĐ-UBND, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải làm gì, thưa ông?
- Xin được lưu ý, thực thi pháp luật về đất đai hay công tác bồi thường, GPMB và hỗ trợ TĐC không phải là “việc riêng” của tổ chức chuyên làm công tác bồi thường, mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là của chính quyền cấp xã trong việc xác nhận nguồn gốc đất đai. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đất đai cho nhân dân để nhận được ủng hộ, hợp tác trong công tác bồi thường, GPMB. Có như vậy thì Quyết định 50/2012/QĐ-UBND sẽ được thực thi triệt để, hiệu quả, từng bước góp phần hoàn thiện công tác bồi thường, GPMB và hỗ trợ TĐC trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!