Tàn phế vì hư khớp, bệnh nhân ngày càng trẻ
Nhiều bệnh nhân xương khớp không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến tàn phế. So với 10 năm trước người phải thay khớp khoảng 60 tuổi, thì ngày nay trung bình 45-50 tuổi.
Theo PGS-TS-BS Lê Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam có tới 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80, bị thoái hóa khớp. Hiện nay, tại nhiều bệnh viện không hiếm gặp bệnh nhân trẻ tuổi phải thay khớp với chi phí trung bình một khớp 100 triệu đồng. Sau thời gian sử dụng 10-15 năm, khớp nhân tạo cần được thay mới với chi phí tăng gấp đôi. Các khớp có thể thay để cứu bệnh nhân khỏi tàn phế cũng chỉ thực hiện được trên một số nơi ở gối, chỏm xương đùi, ngón tay...
ThS-BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết, những trường hợp cần chỉ định phẫu thuật thay khớp như đau nhiều, không đi được, kháng thuốc điều trị, không còn khả năng tập vật lý trị liệu, khớp biến dạng, cong vẹo làm đi lại khó khăn... “Trong đó, thay khớp gối là phổ biến nhất, chiếm 50% trường hợp. Rất nhiều người trẻ tuổi bị hư khớp gối, không còn biện pháp nào buộc phải tiến hành phẫu thuật thay thế để cứu bệnh nhân khỏi tàn phế”, BS Nam Anh trăn trở.
Một bệnh nhân trẻ phải thay khớp gần đây tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là chị Tuyết Mai, 39 tuổi, ở TP HCM. Trong 10 năm viêm đa khớp dạng thấp, chị đã điều trị ở nhiều nơi, uống thuốc hết chỗ này đến chỗ kia nhưng bệnh vẫn ngày một nặng thêm do điều trị không đúng đắn. Chị cũng không áp dụng các biện pháp bảo vệ khớp như mang nẹp, chỉnh chân không vẹo, không kịp thời hỗ trợ bổ sung các dưỡng chất chăm sóc sụn khớp...
Trường hợp khác là ông Quang Thanh, 54 tuổi, làm kinh doanh tại quận 3, TP HCM. Chủ quan và cố gắng lướt qua những cơn đau khớp, lại khiêng vác nặng trong một thời gian dài, ông Thanh tìm đến bác sĩ trong tình trạng không tự đi được, hai khớp gối đã thoái hóa đến độ biến dạng làm chân vẹo cong như hình chữ O. Uống thuốc đặc trị một thời gian không ăn thua, ông buộc phải thay cả hai khớp gối.
PGS-TS-BS Thư phân tích, là một trong những tác nhân gây hàng đầu tàn phế cho con người nhưng thoái hóa khớp thường bắt đầu với những biểu hiện không mấy trầm trọng như đau nhức một hoặc nhiều khớp từng đợt, hạn chế vận động tạm thời hay cứng khớp thoáng qua vào buổi sáng... Những triệu chứng này khiến cho người bệnh quen dần, chịu đựng và chủ quan với bệnh tật.
Theo BS Nam Anh, một chấn thương nhỏ ở khớp cũng có nguy cơ gây tàn phế cho bệnh nhân. Chấn thương khớp thường chỉ được chú ý điều trị ở những trường hợp cấp tính khi tổn thương thật sự nặng nề. Còn lại, ít người chú ý và bỏ qua đối với tổn thương nhỏ. “Theo thời gian, những tổn thương nhỏ này có thể thành mạn tính, kết hợp với những viêm nhiễm dần làm sụn bị phá hủy, dẫn đến hạn chế vận động và gây tàn phế khớp”, BS Nam Anh nói.
Ở các nước tiên tiến, 90% các trường hợp thay khớp gối và khớp háng là do thoái hóa khớp. Tại các nước đang phát triển, chi phí cho thay khớp đang là một gánh nặng, thậm chí vượt quá mức chi trả của nhiều người. Tại Mỹ, có tới 27 triệu người trưởng thành bị thoái hóa khớp và hàng năm số tiền chi cho các phẫu thuật thay khớp nhân tạo lên đến trên 42 tỷ USD.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thống kê trong 10 năm về bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Cơ Xương khớp, thoái hóa khớp đứng thứ hai trong nhóm các bệnh tổn thương khớp. Bệnh viện đa khoa Bưu điện thống kê trong 5 năm đến 2010, thoái hóa khớp đứng thứ hai trong các bệnh có tổn thương khớp, trong đó, thoái hóa khớp gối chiếm 54,1%.
PGS Thư cảnh báo, không nên tự điều trị theo cách truyền miệng, điều trị dựa trên các bài thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, để rồi bệnh ngày càng nặng thêm và gây ra các biến chứng trên dạ dày, thận, tim mạch...“Nếu ý thức đúng về sự thoái hóa của xương khớp, chúng ta có thể phòng ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình này, làm nó xảy ra chậm hơn, muộn hơn, nhẹ hơn và cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân”, PGS Thư khẳng định.
Theo đó, sụn khớp là thành phần quan trọng nhất để giúp khớp không đau khi vận động nên cần được bảo vệ bằng mọi giá. Trước hết, vận động thường xuyên và vừa sức để giúp sụn khớp hấp thu dinh dưỡng. Tránh vận động quá sức, khiêng vác nặng, ngồi xổm hay đột ngột thay đổi tư thế... Song song đó, chế độ ăn uống cần khoa học và đầy đủ các chất, vừa để không thiên lệch, thiếu hụt dinh dưỡng, vừa để duy trì cân nặng hợp lý cho cơ thể. Các cơn đau có thể là dấu hiệu cảnh báo khớp bị tổn thương, viêm nhiễm... nên cần được chú ý và cần thiết phải đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị dứt điểm.
Thoái hóa khớp đi cùng với lão hóa được cho là quá trình không thể đảo ngược. Sự bền chắc, dẻo dai của sụn khớp được quyết định bởi collagen type II. Mạng lưới các sợi collagen này ngày càng bị xơ cứng và tổn thương do quá trình lão hóa, bị chấn thương hay quá tải, dẫn tới các tế bào sụn chết đi, cuối cùng làm khớp trơ khung xương, gây đau đớn khi di chuyển, đồng thời làm biến dạng khớp. Với phát minh UC-II (collagen type II không biến tính), các nhà khoa học Mỹ đã có một bước tiến lớn trong dự phòng và điều trị thoái hóa khớp cũng như một số bệnh lý khác về khớp. Vì thế, bổ sung UC-II cho sụn khớp từ sớm bằng đường uống để bồi phụ lại lượng collagen đã mất và ngăn ngừa sự tự hủy thành phần này. UC-II có trong JEX được tinh chiết bằng công nghệ sử dụng nhiệt độ thấp, sở hữu chứng nhận an toàn GRAS (Generally Recognized As Safe) được FDA Mỹ công nhận.
. Theo Phi Anh/VnExpress