Thu hồi 2 tàu vỏ thép đầu tiên: Thử nghiệm bất thành
Việc ngư dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng buộc phải trả 2 tàu vỏ thép cho nhà nước là điều tất yếu vì không thể làm tàu cá từ nền tảng tàu vận tải, máy cũ, trong khi ngư dân chưa được đào tạo về chuyên môn.
Sau gần 2 năm sử dụng không hiệu quả, thiệt hại nặng, các ngư dân Quảng Ngãi và Đà Nẵng buộc phải trả lại 2 tàu vỏ thép đầu tiên. Hai con tàu này đang trên đường đưa về Nha Trang (Khánh Hòa) để trả lại cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang.
10 chuyến ra khơi, 4 lần thất bại
Hai tàu cá bị trả lại gồm tàu Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01. Tàu Sang Fish 01 có tổng kinh phí đầu tư 6,2 tỉ đồng, được giao cho 2 ngư dân Lê Văn Sang (TP Đà Nẵng) và Phan Bé (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Tàu Hoàng Anh 01 trị giá 5,9 tỉ đồng, giao cho ngư dân Mai Thành Văn (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là 2 tàu vỏ thép thử nghiệm đầu tiên, được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC (Bộ Giao thông Vận tải) đầu tư kinh phí. Ngư dân nhận tàu cam kết trả nợ (lãi suất 3%/năm) trong thời gian từ 6 đến 7 năm. Thế nhưng, sau 2 năm giao tàu, do các chủ tàu không trả nợ theo hợp đồng nên Công ty Đóng tàu Nha Trang thu hồi theo yêu cầu của SBIC.
Cùng với tàu Hoàng Anh 01, tàu Sang Fish 01 cũng được trả lại cho Công ty Đóng tàu Nha Trang Ảnh: QUANG QUÝ
Ông Lê Văn Sang cho biết từ khi được giao tàu Sang Fish 01, ông và ông Phan Bé thực hiện 10 chuyến ra khơi nhưng hết 2 chuyến bị đứt tời, 2 chuyến bị mất tải. “Ngay lần đầu kéo lưới đã bị đứt tời, tàu buộc phải quay vào bờ sửa chữa. Kinh phí sửa chữa trong quá trình bảo hành được Công ty Đóng tàu Cam Ranh lo nhưng thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho mỗi chuyến đi thì tôi phải gánh” - ông Sang than thở. Cũng theo ông Sang, thiết kế của tàu có nhiều hạn chế, hệ thống tời, lưới kéo không hiệu quả khiến dây tời dễ bị đứt. Bên cạnh đó, đáy tàu nhỏ khiến tàu bị lắc mạnh khi chỉ mới đối mặt với gió cấp 6, cấp 7. Do bị thiệt hại và lo ngại tàu Sang Fish 01 không đủ điều kiện để tiếp tục ra khơi nên ông trả lại tàu.
Ông Mai Thành Văn tiếp nhận tàu Hoàng Anh 01 được gần 2 năm. Trong 5 chuyến ra khơi, hết 3 chuyến máy bị hỏng, gặp trục trặc dẫn đến không có lời. “Cứ tiếp tục làm, chúng tôi không trả nợ được” - ông Văn nói.
Thất bại khó tránh khỏi
Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, cho rằng sở dĩ 2 tàu vỏ thép đầu tiên thường xuyên bị trục trặc là do lắp đặt máy cũ. Các sự cố chết máy của tàu chủ yếu do gãy trục cơ của máy chính, gãy trục tời quay cá, ca bin tàu quá cao gây lắc... Hai tàu này đều sử dụng máy cũ do một đơn vị ở TP HCM cung cấp theo sự lựa chọn của chủ tàu.
Tuy thế, ông Toàn cũng thừa nhận vì đây là 2 tàu thử nghiệm nên có nhiều khiếm khuyết, hiệu quả khai thác không cao. Sau khi thu hồi và điều chỉnh, khắc phục, nếu các ngư dân trên có nhu cầu thì công ty tiếp tục giao tàu, còn không sẽ giao cho đối tác khác.
Nói về việc thử nghiệm thất bại 2 tàu vỏ thép đầu tiên này, ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - khẳng định: “Việc ngư dân trả tàu là điều tất yếu vì không thể làm tàu cá từ nền tảng tàu vận tải, máy cũ, trong khi ngư dân chưa được đào tạo về chuyên môn”. Ông Lăng cho rằng tàu vỏ thép phải đóng theo quy phạm chứ không phải theo kiểu tàu dân gian. Ngư dân phải nắm bắt được những quy định, quy phạm này ngay từ khâu thiết kế. “Người sử dụng không biết gì, người thiết kế không am hiểu nên tàu nhanh hư hỏng, cabin cao, thao tác không phù hợp, kém hiệu quả trong quá trình đánh bắt, máy móc cũ… nên đi ra thực tế là hư hỏng, không hiệu quả” - ông Lăng phân tích.
Cũng theo ông Lăng, từ trước đến nay, ngư dân đều sử dụng máy cũ để đóng tàu trừ một số tàu đóng theo Nghị định 67. Việc sử dụng máy cũ mặc dù tiết kiệm chi phí cho ngư dân nhưng cần phải kiểm tra thẩm định theo quy trình để bảo đảm chất lượng, tránh sự cố đáng tiếc như 2 con tàu đầu tiên.
Xem xét lại thiết kế để làm tốt hơn
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng từ việc trả 2 tàu cá vỏ thép, cần xem xét kỹ lại thiết kế, quy định về đăng kiểm, điều kiện của các cơ sở đóng tàu cá. “Việc đóng tàu vỏ thép này rất mới ở Việt Nam, ra đời trước khi Nghị định 67 có hiệu lực, không thuộc 21 mẫu tàu công bố. Ủng hộ ngư dân, hiện đại hóa nghề cá, các đơn vị này đã đi trước nên gặp khó khăn, vấp váp. Tuy thế, không vì những thất bại ban đầu mà ảnh hưởng đến chương trình hiện đại hóa tàu cá của nước ta. Các đơn vị cần phải hoàn thiện để đóng những chiếc sau tốt hơn” - ông Tám nói.
Từ tháng 7-2014 đến nay, Công ty Đóng tàu Nha Trang đã đóng và bàn giao thêm 6 tàu vỏ thép cho ngư dân; 4 tàu khác đang được hoàn tất và chuẩn bị ký hợp đồng đóng mới 3 tàu. Tất cả những tàu cá vỏ thép được đóng sau này đều có thay đổi, điều chỉnh theo ý ngư dân.
K.Nam
Theo TỬ TRỰC - QUANG QUÝ - KỲ NAM (NLĐO)