Ngân hàng Nhà nước nói gì về thông tin “in tiền để lưu niệm gây lãng phí”?
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các nước trên thế giới đều tổ chức in, đúc, phát hành tiền lưu niệm, cả tiền giấy và tiền kim loại nhân các sự kiện lớn của đất nước cũng như của Ngân hàng Trung ương, đây là những việc làm bình thường.
Mặt sau của tờ tiền lưu niệm trị giá 100 đồng
Trước việc một số ý kiến cho rằng, NHNN in tiền mệnh giá 100 đồng để lưu niệm gây lãng phí, cuối ngày 5.4, cơ quan quản lý này chính thức lên tiếng.
Theo NHNN, việc tổ chức in, phát hành tiền nói chung và tiền lưu niệm nói riêng là nhiệm vụ của NHNN được quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước, Nghị định số 40/2012 và Quyết định số 40/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm.
“Các nước trên thế giới đều tổ chức in, đúc, phát hành tiền lưu niệm, cả tiền giấy và tiền kim loại nhân các sự kiện lớn của đất nước cũng như của Ngân hàng Trung ương, đây là những việc làm bình thường”, NHNN cho hay.
Năm 2016, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (6.5.1951- 6.5.2016), NHNN tổ chức in và phát hành tiền lưu niệm “Kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam” nhằm ghi nhận bước phát triển của ngành Ngân hàng trong thời kỳ đổi mới, đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử dân tộc và đồng tiền Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp để Ngân hàng Nhà nước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực in tiền để in đồng tiền lưu niệm này. Để triển khai công việc này, NHNN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cho biết, để tổ chức in tiền lưu niệm, NHNN đã hợp tác với 4 đối tác nước ngoài (Pháp, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đức) về giấy, mực in, thiết bị bảo an…. được các đối tác trên tài trợ miễn phí; tiền lưu niệm được tổ chức in tại Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam. Hoạt động bán tiền lưu niệm là phù hợp với quy định của pháp luật (Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 2.5.2012, Quyết định số 40/2012/QĐ-TTg ngày 5.10.2012) và thông lệ quốc tế.
Kinh phí thu được từ việc bán tiền lưu niệm dùng để bù đắp một số chi phí vận chuyển, bảo quản và phát hành tiền. Số còn lại được hạch toán vào thu nghiệp vụ của NHNN và cuối năm được quyết toán nộp ngân sách Nhà nước.
Về việc bán tiền lưu niệm, căn cứ vào các quy định hiện hành, NHNN được phép cấp, tặng, bán đồng tiền lưu niệm cho các tổ chức, cá nhân và không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Hoạt động bán tiền lưu niệm được công khai rộng rãi đến các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
“Trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, NHNN sẽ xem xét bố trí thêm địa điểm bán tiền lưu niệm phù hợp", cơ quan quản lý này thông tin.
Trước đó, ngày 4.4, NHNN công bố về việc phát hành tờ tiền mệnh giá 100 đồng. Tờ tiền này xuất hiện đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (6.5.1951 – 6.5.2016). Tờ 100 đồng mới này để lưu niệm, không có giá trị thanh toán hay lưu thông.
Mặt trước tờ tiền mới là hình quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dòng chữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mệnh giá 100 đồng in đậm với logo 65 năm kỷ niệm ngày thành lập.
Mỗi cán bộ các ngân hàng thương mại sẽ mua một tờ tiền lưu niệm. Giá bán ra ngoài một tờ tiền sẽ là 20.000-25.000 đồng, tùy thuộc đó là tờ rời hay bọc trong phong bao kèm chú thích song ngữ Việt - Anh.
Theo Thanh Hương (Hà Nội mới)